Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Giang thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thư viện
BHG - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Chiều ngày 5.11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Thư viện.
Phó trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà đã tham gia phát biểu với 3 nội dung:
Phó trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội về Dự án Luật Thư viện |
Thứ nhất, làm thế nào để cho thư viện gần hơn với bạn đọc. Theo đại biểu đây là một nhiệm vụ quan trọng của luật lần này. Ở dự thảo luật lần này đã quy định việc liên thông giữa các thư viện từ Thư viện Quốc gia, Thư viện công cộng và các thư viện chuyên ngành để tạo điều kiện cho việc tra cứu của bạn đọc. Nhưng để cho bạn đọc được hưởng thụ việc liên thông giữa các thư viện theo đại biểu cần có quy định cụ thể hơn về phương thức thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời rất cần có cơ chế mượn tài liệu liên thư viện để bạn đọc ở địa phương thông qua thư viện của mình mượn tài liệu của các thư viện trong toàn quốc. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm vào điểm c khoản 2, Điều 9 Thư viện Quốc gia Việt Nam ngoài việc đã quy định về xây dựng hệ thống thông tin thư mục quốc gia, chủ trì, phối hợp với thư viện của các bộ, ngành và thư viện trong nước xây dựng tổng mục lục Việt Nam, cần quy định thêm là công khai thư mục quốc gia đối với mọi bạn đọc để bạn đọc có thể sử dụng được; khoản 2, khoản 3, Điều 10 Thư viện công cộng cần quy định thêm 2 nhiệm vụ cho các thư viện công cộng ở địa phương đó là tích hợp vào thư mục hệ thống thư mục quốc gia và hướng dẫn bạn đọc tra cứu tài liệu trong hệ thống thư mục quốc gia và cách thức mượn tài liệu. Tương tự như vậy với Điều 11 của Thư viện chuyên ngành và Điều 12 của Thư viện đại học.
Tại nội dung này, đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ là việc cung cấp các tài liệu, các sản phẩm, dịch vụ thông tin thư viện cho bạn đọc trong điều kiện cho phép. Bởi trong dự thảo luật mới chỉ quy định là phải liên thông giữa các thư viện chứ chưa quy định rõ về điều này. Nếu được như vậy thì việc liên thông các thư viện mới có ý nghĩa và cũng rất tiết kiệm. Luật cần quy định cơ chế cho các Thư viện chuyên ngành, Thư viện Quốc gia, Thư viện đại học, Thư viện công cộng được hỗ trợ bạn đọc bằng các hình thức, ngoài hình thức cho mượn tài liệu gốc có thể có các dịch vụ bán hoặc sao, gửi tài liệu nhưng phải phù hợp với các quy định của pháp luật về bản quyền và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 46 dự thảo luật quy định quyền của một số đối tượng đặc thù trong hoạt động thư viện đó là người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật, người khiếm thị khiếm thính, trẻ em, v.v.. đại biểu đề nghị đối với tên của điều luật nên là “Quyền của một số người sử dụng đặc thù trong hoạt động thư viện” thay cho từ “đối tượng” để thống nhất trong toàn luật và trong nội dung dự thảo luật cần quy định rõ là được thực hiện các quyền này tại các thư viện công lập (Thư viện Quốc gia, thư viện công cộng tại địa phương, thư viện chuyên ngành...) để đảm bảo các điều kiện được triển khai thực hiện.
Thứ hai: Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có hướng dẫn rõ trách nhiệm của các thư viện địa phương về nội dung được quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 10 đó là tài nguyên thông tin của địa phương và về địa phương phải bao gồm cả những tài liệu bằng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đó.
Thứ ba: Về Điều 7 tài nguyên thông tin sử dụng hạn chế trong thư viện. Tại điểm a khoản 1 có quy định “Tài nguyên thông tin có nội dung xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước...”, theo đại biểu đây là một nội dung rất đặc thù, dự thảo luật cần tách thành một điều riêng với quy định của loại tài liệu này và nên quy định “tài nguyên thông tin được lưu trữ và sử dụng khi được cho phép” và cũng quy định nội dung cho phép là giao cho Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.
Thu Hiền
Ý kiến bạn đọc