Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về công tác phát triển thị trường nông, thủy sản
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 06/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường xoay quanh công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ và công tác phát triển thị trường nông sản, thủy sản.
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải- Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, cho biết chủ trương gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường tiêu thụ nông sản là rất đúng đắn, tuy nhiên, ý kiến của cử tri cho rằng, nhiều năm qua công tác này chưa được triển khai tích cực. Việc gắn kết các liên kết trong tổ chức chuỗi giá trị sản xuất không bền vững, chủ yếu là các doanh nghiệp trung gian, người dân sản xuất một số mặt hàng nông nghiệp có khi hòa, có khi lỗ vốn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra những giải pháp để hỗ trợ nông dân trong vấn đề này.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay, chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp đang tập trung triển khai ở tất cả vùng miền. Kiên Giang là một trong những địa phương đang triển khai rất tích cực. Về lúa, Kiên Giang dẫn đầu có trên 4 triệu tấn, và chủ trương của tỉnh là giảm nhanh sản lượng lúa, nhường chỗ cho các ngành nghề khác, do đó sản lượng lúa Kiên Giang giảm. Đây là chủ trương rất đúng.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội |
Về phát huy lợi thế thủy sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, gần nửa triệu tấn thủy sản ở Kiên Giang hiện đang khai thác tốt. Kiên Giang cũng là địa phương đi đầu trong tổ chức mô hình nuôi tôm, tuy nhiên chưa được nhiều lắm, tới đây chúng ta phải làm quyết liệt hơn, kể cả lúa gạo. Qua nhiều lần thăm quan, làm việc cho thấy Kiên Giang đang làm rất tốt. Tiêu biểu là mô hình trên mặt đất qua một công ty trung gian với 1.000 ha đất làm hạt nhân, kể cả ứng dụng khoa học công nghệ cao nhất, bảo đảm sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, hướng hữu cơ để làm hạt nhân lan tỏa, thu mua nguyên liệu trong vùng đó thông qua công tác hướng dẫn phát triển nguyên liệu, thu mua sản phẩm… Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, việc đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp rất đúng. Bộ sẽ cùng với các tỉnh, đặc biệt là Tiền Giang tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện chuỗi, liên thông sản xuất cho các ngành hàng.
Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cũng đặt nhiều câu hỏi chất vấn liên quan đến giải pháp khắc phục phục tình trạng được mùa mất giá, thậm chí mất cả mùa mất cả giá trong nông nghiệp; giải pháp tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giải pháp căn cơ, đột phá để bảo đảm giá lúa, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam…
Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn |
Về các chất vấn liên quan đến việc nâng cao giá trị lúa gạo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, giải pháp cho vấn đề này là cần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung vào sản xuất các giống lúa mới (hữu cơ, tinh túy hơn)...
Về giải pháp khắc phục tình trạng được mùa mất giá, thậm chí mất cả mùa mất cả giá, mất giá kéo dài, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian qua chúng ta đã có những chuyển biến tích cực trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; tới đây cần tiếp tục rà soát phát huy lợi thế của địa phương, tổ chức liên kết sản xuất tuân thủ theo quy luật thị trường, đặc biệt cần tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thị trường; tiến hành rà soát lại các vùng sản xuất để giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả hoặc mất cân đối dẫn đến thừa nguồn cung, chuyển sang các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả cao hơn...
Liên quan đến các chất vấn về giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn góp phần phát triển thị trường nông sản, thủy sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh vai trò hạt nhân trong liên kết sản xuất lớn. Trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực này đã tăng 3 lần, từ hơn 3.000 lên hơn 11.000 doanh nghiệp, trải đều khắp các vùng miền trong cả nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào lĩnh vực này để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, con số này chưa đáp ứng được yêu cầu. Bộ trưởng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Theo: Quochoi.vn
Ý kiến bạn đọc