Bế mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV
Chiều 27-11, tại Nhà Quốc hội (QH), sau 28 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, hiệu quả, kỳ họp thứ tám của QH khóa XIV kết thúc và thành công tốt đẹp.
Ðến dự phiên bế mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; nguyên Chủ tịch QH: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam...
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Qua xem xét, thảo luận một cách kỹ lưỡng, QH đã thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết với sự đồng thuận cao và cho ý kiến 10 dự án luật khác. Các luật, nghị quyết được thông qua là những cơ sở pháp lý quan trọng tiếp tục góp phần tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới dự Lễ bế mạc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV. |
Nhấn mạnh năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo và là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng của đất nước, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được QH thông qua; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật; nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu QH, cử tri và nhân dân để có giải pháp thiết thực hơn nhằm tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực quản lý cũng như bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung trình QH tại kỳ họp sau. (Toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo hôm nay).
Trong phiên làm việc buổi chiều 27-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện KSND, của TAND và công tác thi hành án; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.
QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện KSND, của TAND và công tác thi hành án với 448 đại biểu tán thành (chiếm 92,75% tổng số đại biểu QH); biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội với 392 đại biểu tán thành (chiếm 81,16% tổng số đại biểu QH).
Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới giữa Việt Nam và Cam-pu-chia. QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia và Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới giữa Việt Nam và Cam-pu-chia với 100% đại biểu có mặt tán thành.
Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8. |
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018, QH đã biểu quyết thông qua nghị quyết nêu trên với 449 đại biểu tán thành (chiếm 92,96% tổng số đại biểu QH).
Tiếp theo chương trình làm việc chiều qua, QH nghe Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo nghị quyết, toàn văn dự thảo nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ tám, QH khóa XIV; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết, toàn văn dự thảo nghị quyết kỳ họp thứ tám, QH khóa XIV. QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ tám, QH khóa XIV với 446 đại biểu tán thành (chiếm 92,34% tổng số đại biểu QH). Ðồng thời, biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ tám, QH khóa XIV với 421 đại biểu tán thành (chiếm 87,16% tổng số đại biểu QH).
Sáng qua, tại hội trường, các đại biểu QH thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đa số các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng nhằm tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Ðảng, Nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn. Bên cạnh đó, các đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Ðồng); Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), cùng một số đại biểu cho rằng, trong hoạt động xây dựng hiện nay, có nhiều công đoạn đang bộc lộ bất cập, dự thảo luật cần rà soát kỹ lưỡng quy định về pháp luật để tạo sự thống nhất, đồng bộ, khắc phục sơ hở trong hoạt động xây dựng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. |
Một số đại biểu phản ánh, thực tế cho thấy quy trình cấp giấy phép xây dựng vẫn còn nhiều thủ tục hành chính, thời gian cấp giấy phép còn dài, còn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, không đúng giấy phép. Ðiển hình như các vi phạm về trật tự xây dựng xảy ra tại công trình 8B Lê Trực (quận Ba Ðình, Hà Nội) hay khu chung cư HH Linh Ðàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ngoài ra, còn có tình trạng được cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường hay chứng nhận thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy, việc thực hiện quyết định phạt vi phạm hành chính nhiều nơi chưa quyết liệt, triệt để. Bởi vậy, dự án luật cần có các quy định để ngăn chặn việc buông lỏng trong quản lý xây dựng. Rà soát, bổ sung quy định xử lý vi phạm trật tự xây dựng và thực hiện nghiêm kỷ cương trong quá trình tổ chức triển khai; và phải có các quy định để xử lý dứt điểm các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng trong thời gian vừa qua.
Ðại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cùng một số đại biểu nêu ý kiến, về trật tự xây dựng ở nông thôn, theo quy định của pháp luật hiện hành, nhà ở riêng lẻ, công trình xây dựng ở địa bàn chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị được phê duyệt thuộc đối tượng miễn cấp giấy phép xây dựng. Bởi vậy, cần có quy định về kiến trúc nông thôn, quy chuẩn xây dựng ở nông thôn để người dân thực hiện. Ðại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP Hồ Chí Minh) cùng một số đại biểu cho rằng, Luật Xây dựng có liên quan nhiều lĩnh vực được điều chỉnh trong các luật như: Luật Quy hoạch, Luật Ðất đai, Luật Ðầu tư, Luật Ðầu tư công, Luật Kiến trúc… Trong đó, có cả những dự án luật sẽ được trình QH cho ý kiến, xem xét thông qua trong thời gian tới. Do đó, Ban soạn thảo dự án luật cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát các luật có liên quan bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật…
★ Chiều 27-11, tại Hà Nội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ tám, QH khóa XIV. Theo các báo cáo tại buổi họp báo, tại kỳ họp này, QH đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng như thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến về 10 dự án luật; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”; tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.
Tại buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc trả lời một số câu hỏi mà phóng viên các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế quan tâm.
Theo: nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc