Quốc hội giải trình một số vấn đề về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức
Ngày 24.10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, các vấn đề công chức cấp xã, vấn đề về chính sách đối với người có tài năng, vấn đề hợp đồng xác định có thời hạn và không thời hạn, vấn đề chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số là các nhóm vấn đề mà các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận rất nhiều.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. |
Thứ nhất, về vấn đề công chức cấp xã, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện nay, chúng ta có Luật Cán bộ, công chức 2008, và Luật Viên chức 2010 có phân biệt giữa cán bộ, công chức và viên chức, trong đó có cán bộ cấp xã và công chức cấp xã. Công chức cấp xã khác công chức cấp huyện trở lên, hiện nay công chức cấp huyện quản lý theo ngạch công chức, công chức cấp xã quản lý theo chức danh chuyên môn nghiệp vụ. Công chức cấp xã có thang, bảng lương, còn lại thì quản lý theo phụ cấp. Thang bảng lương của cán bộ, công chức gần đây cũng có khác nhau, đối với Luật Cán bộ, công chức lần này thể hiện tính liên thông giữa cán bộ, công chức, giữa công chức xã và công chức cấp huyện trở lên. Nếu những người có bằng cấp chuyên môn phù hợp với Luật Công chức thì được hưởng lương của công chức. Nếu những người có trình độ trung cấp thì hưởng lương trung cấp, đại học thì hưởng lương đại học. Chức danh của cán bộ, công chức khi đáp ứng đủ điều kiện và có thời gian công tác 5 năm phù hợp vị trí việc làm cấp huyện thì được tiếp nhận và bổ nhiệm là công chức cấp huyện. Tính liên thông có phân biệt giữa công chức cấp xã và công chức cấp huyện trở lên. Nếu công chức huyện làm việc từ 5 năm trở lên, có điều kiện, đủ tiêu chuẩn công chức huyện thì vẫn được liên thông. Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu cùng cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục hoàn chỉnh những vấn đề này.
Đối với nội dung về chính sách đối với người có tài năng, Bộ Trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, đây là vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm. Hiện nay nếu đưa ra một khái niệm về vấn đề tài năng trong tổng thể chung của tất cả các ngành nghề, lĩnh vực thì rất khó. Do đó, trong phương án trình Quốc hội, Bộ Nội vụ xin phép báo cáo làm rõ thêm hai nội dung.
Cụ thể, thứ nhất, trong phạm vi giới hạn của luật này chỉ đặt vấn đề xác định thế nào là người có tài năng trong hoạt động công vụ. Đối tượng là cán bộ, công chức. Vì vậy, giao cho Chính phủ quy định khung chính sách thu hút đối với tài năng vào làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị đã được bổ sung tại khoản 2 Điều 3; khoản 2, khoản 3 Điều 37 Luật Cán bộ, công chức.
Toàn cảnh Kỳ họp |
Thứ hai, với ý kiến đề nghị phải quy định rõ cơ quan và người có thẩm quyền để xác định người có tài năng trong hoạt động công vụ, khung chính sách đó như thế nào đối với đối tượng này, Bộ Trường cho biết, nội dung này dự kiến quy định 2 nhóm vấn đề. Trong đó, một là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc rà soát và phát hiện người có tài năng trong phạm vi hoạt động công vụ của đơn vị mình; hai là khung chính sách tập trung vào 5 lĩnh vực, đó là chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quy hoạch bổ nhiệm, chế độ tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi chính sách cuối cùng, đó là vấn đề tôn vinh. Chính phủ sẽ ban hành chính sách khung, dựa trên cơ sở chính sách khung này các địa phương và cơ quan đó sẽ sử dụng và có chính sách cụ thể của từng cá nhân tại cơ quan, đơn vị mình.
Liên quan đến chính sách ưu tiên đối với người dân tộc thiểu số, Bộ Trưởng nhấn mạnh, từ trước tới nay việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức chúng ta đều đặt vấn đề ưu tiên, đó là vấn đề thi có cộng điểm, nếu xét tuyển hai người có điều kiện như nhau thì ưu tiên cho người dân tộc. Điều kiện chúng ta quy định trong cơ cấu tổ chức của một vùng có dân tộc phải dành một tỷ lệ của người dân tộc, do đó việc xét tuyển đối với địa phương phải dành tỷ lệ để xét tuyển người dân tộc, đối với người cử tuyển thực hiện theo chế độ xét tuyển. Vấn đề này trong luật cũ vẫn còn.
Về ký hợp đồng xác định thời hạn hoặc không thời hạn đối với viên chức, Bộ Trường Lê Vĩnh Tân cho biết, chỉ áp dụng từ ngày luật này có hiệu lực, tức là nếu luật này được thông qua, từ ngày 01/7/2020 luật bắt đầu có hiệu lực thì ký hợp đồng mới là hợp đồng không xác định thời hạn. Những công chức đã ký hợp đồng xác định không thời hạn trước đây vẫn giữ hợp đồng đó là không thời hạn, những công chức đã ký hợp đồng có thời hạn sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng có thời hạn, sau đó sẽ chuyển qua ký hợp đồng không thời hạn. Đặc biệt, đối với công chức ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thực hiện chế độ như quy định hiện hành. Vấn đề liên thông và việc thực hiện này chỉ áp dụng đối với tuyển mới từ khi luật này có hiệu lực, chúng ta vẫn bảo lưu kết quả để bảo vệ quyền lợi của những người trước đây đã ký hợp đồng không thời hạn và người đã ký hợp đồng có thời hạn nhưng sau này vẫn tiếp tục được xét chuyển thành hợp đồng đó không thời hạn.
Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến hết sức sâu sắc, cụ thể vào tất cả các nội dung quan trọng của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan tiếp tục chỉnh lý, tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội và giải trình đầy đủ, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.
Theo: quochoi.vn
Ý kiến bạn đọc