Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số
BHG - Là tỉnh miền núi với 19 dân tộc cùng chung sống, những năm qua, việc đào tạo, quy hoạch và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) trong hệ thống chính trị luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) người DTTS ngày càng tăng số lượng và nâng cao về chất lượng, góp phần xây dựng Hà Giang ngày càng phát triển.
Cán bộ Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn hướng dẫn hội viên phát triển nghề dệt lanh truyền thống. |
Thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT- BNV- UBDT ngày 11.9.2014 của Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chính sách cán bộ, CCVC người DTTS; cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS; tạo điều kiện cho con em đồng bào DTTS học tập theo chế độ cử tuyển để tạo nguồn cán bộ, từ đó dự nguồn, quy hoạch vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; bố trí cán bộ là người DTTS có trình độ, năng lực phù hợp với vị trí công tác, tiêu chuẩn, chức danh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Hiện nay, tổng số cán bộ người DTTS làm việc tại khối Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở là 1.806 người; trong đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh là 83 người (chiếm 47,4%); các chức danh trưởng, phó phòng cấp tỉnh có 282 người (chiếm 36,4%); lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, thành phố có 50 người (chiếm 58,6%); các chức danh trưởng, phó phòng, ban cấp huyện, thành phố có 359 người (chiếm 47,8%); cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn có 949 người (chiếm 83,5%). Số sinh viên tốt nghiệp các trường thuộc diện cử tuyển là 208 người, hiện đã bố trí việc làm cho 146 người. Có 3.581 người DTTS được cơ cấu vào cấp ủy các cấp; 4.604 người là đại biểu HĐND các cấp.
Bên cạnh đó, để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là người DTTS; hàng năm, tỉnh mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng lý luận chính trị và đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, ngạch công chức cho hàng nghìn học viên người DTTS. Tỉnh chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dự nguồn lãnh đạo, quản lý của tỉnh; xây dựng cơ chế chính sách thực hiện hỗ trợ cán bộ, CCVC đi đào tạo nâng cao trình độ sau đại học. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 61 người đi đào tạo nâng cao trình độ sau đại học, trong đó có 18 người DTTS.
Công tác bổ nhiệm cán bộ, CCVC lãnh đạo, quản lý các cấp người DTTS được thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, tạo động lực để người có trình độ, năng lực phấn đấu vươn lên, góp phần đổi mới công tác cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS. Công tác tuyển dụng cán bộ, CCVC được thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tế địa phương; có sự kết hợp giữa chỉ tiêu biên chế và yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chú trọng năng lực, phẩm chất đạo đức cán bộ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương áp dụng các chính sách, chế độ, ưu tiên tuyển dụng đối tượng người DTTS phù hợp với vị trí tuyển dụng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt, BTV Tỉnh ủy ban hành Đề án số 07-ĐA/TU về thu hút đội ngũ trí thức trẻ là con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh, tình nguyện về công tác tại các xã có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn để giúp chính quyền địa phương phát triển KT - XH. Theo đề án, đã có trên 200 tri thức trẻ có trình độ đại học, cao đẳng được tuyển chọn, bố trí làm việc tại 140 xã đặc biệt khó khăn thuộc 10 huyện; được hưởng nhiều chế độ, chính sách ưu đãi và điều kiện làm việc tốt.
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, việc quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ người DTTS vào làm việc trong hệ thống chính trị góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển KT – XH của địa phương, đặc biệt là triển khai thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến đời sống đồng bào DTTS. Trong giai đoạn tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tập trung tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động về vị trí, vai trò công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đủ phẩm chất, năng lực, đạo đức và cơ cấu hợp lý trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Hiện nay, nhiều con em đồng bào DTTS đang học tập tại các trường đại học trên cả nước; để phát huy năng lực, trình độ, nhiệt huyết của tuổi trẻ và khuyến khích các em sau khi học tập trở về địa phương, tỉnh cần tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng và có thêm nhiều chế độ, chính sách ưu tiên, đãi ngộ hợp lý.
Bài, ảnh: PHÙNG THỊ HÀ
Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang
Ý kiến bạn đọc