Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý làm việc với đoàn giám sát của IFAD
BHG - Sáng 10.10, tại trụ sở UBND tỉnh, đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với đoàn giám sát của IFAD do ông Marc de Souza Shields, chuyên gia tài chính nông thôn làm Trưởng đoàn, nhằm đánh giá kết quả giám sát quá trình thực hiện Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh Hà Giang. Dự buổi làm việc có thành viên Ban chỉ đạo CPRP của tỉnh; các sở, ngành liên quan; lãnh đạo các huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Chương trình CPRP tại Hà Giang được thực hiện từ ngày 30.3.2015, hoàn thành ngày 31.3.2020. Chương trình có tổng đầu tư là 32,7 triệu USD, trong đó vốn vay của IFAD là 20 triệu USD, đóng góp của Chính phủ Việt Nam là 9,5 triệu USD và đối ứng của người hưởng lợi là 4,2 triệu USD. Mục tiêu của Chương trình là tăng thu nhập và giảm tình trạng dễ bị tổn thương một cách bền vững cho các nông hộ nghèo tại các xã mục tiêu của tỉnh Hà Giang; các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, các tổ hợp tác và nông hộ đều được hưởng lợi và bền vững từ nền kinh tế nông nghiệp định hướng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động của Chương trình được thực hiện tại 30 xã thuộc 5 huyện, gồm: Hoàng Su Phì, Quang Bình, Bắc Quang, Xín Mần và Vị Xuyên.
Sau khi làm việc với Ban điều phối CPRP của tỉnh và đi kiểm tra thực tế tại các xã nằm trong chương trình, ông Marc de Souza Shields đánh giá các hợp phần của dự án cơ bản đã được tỉnh thực hiện đạt yêu cầu. Xét về tiến độ hiện nay, chương trình có thể hoàn thành hoặc vượt các mục tiêu đầu ra và kết quả trước khi kết thúc. Những hỗ trợ của chương trình đối với quy trình lập kế hoạch có sự tham gia, phát triển chuỗi giá trị định hướng, thích ứng với BĐKH và các công trình đầu tư đã phát huy tác dụng thúc đẩy sản xuất, kết nối doanh nghiệp, nông dân với thị trường, tăng khả năng ứng phó với BĐKH. Tiến độ chương trình được cải thiện ở hầu hết các cấp từ sau đánh giá giữa kỳ nhờ vào cam kết của Ban điều phối, các cơ quan thực hiện và người thụ hưởng. Qua đó, chương trình đã tạo ra mối liên kết hiệu quả với các chương trình khác của Chính phủ, đặc biệt là chương trình Nông thôn mới, chương trình OCOP và các cơ quan liên quan.
Đoàn giám sát của IFAD cũng nêu rõ: Một trong những thách thức trong 6 tháng tiếp theo là triển khai chiến lược rút lui của dự án. Vì vậy để nâng cao chất lượng hoạt động trong và sau dự án, chương trình cần nỗ lực cải thiện năng lực quản lý và kỹ thuật trong công tác lập kế hoạch và triển khai kế hoạch. Các tài liệu hướng dẫn cần được hoàn thiện hoặc sửa đổi, chi tiết kế hoạch rút lui cần được tuyên truyền sâu rộng, đi kèm với đó là giao trách nhiệm cho các cơ quan, bộ phận được giao trách nhiệm tiếp nhận... đảm bảo sự hài lòng cho các bên liên quan đối với dự án.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý nhấn mạnh: Trong năm qua, dự án được triển khai đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân được hưởng lợi, tiếp cận nguồn vốn, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế IFAD đối với Hà Giang trong giai đoạn tiếp theo.
Tin, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc