ĐBQH nêu những kiến nghị đầu tư cho vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
BHG - Chiều 30.10, tham gia thảo luận ở Hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2020. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Ngọc Hải, Đoàn Hà Giang cho rằng: Năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó: 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải đoàn ĐBQH Hà Giang phát biểu tại hội trường. |
lớn của nền kinh tế được củng cố và mở rộng. Đời sống nhân dân trên mọi miền chuyển biến rõ nét theo hướng tích cực, đặc biệt là kết quả phát triển KT-XH của Việt Nam là điểm sáng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc so với năm 2018; điều đó khẳng định sự quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành địa phương và nhân dân cả nước với phương châm “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Bứt phá, Hiệu quả” trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Quốc hội đã đề ra.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong nước vẫn bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy cần có sự nhận diện thấu đáo hơn, có các giải pháp căn cơ phù hợp để đưa nền kinh tế vượt qua những khó khăn thách thức, tận dụng tốt những thời cơ, cơ hội phát triển vốn có của đất nước.
Đặc biệt, đối với các tỉnh vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mặc dù đã được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, tỷ lệ giảm nghèo năm 2019 đã vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa hình chia cắt mạnh, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng về mùa khô; kết cấu cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông; tình hình KT-XH nhìn chung chưa phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao, chất lượng nguồn nhân lực thấp... rất khó khăn trong việc thu hút đầu tư; tình trạng hộ nghèo và cận nghèo ở vùng dân tộc thiểu số miền núi vẫn là một trong những thách thức lớn, vấn đề tái nghèo và nguy cơ tái nghèo luôn thường trực diễn ra ở các vùng này.
Để giúp đồng bào vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tiếp tục phát huy nội lực phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, góp phần giữ gìn, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, đại biểu đề nghị:
Thứ nhất. Quốc hội, Chính phủ ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông tạo mối liên kết vùng bền vững (Quốc lộ 279, Quốc lộ 34), nhằm thu hút, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh của các tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế từng vùng, thế mạnh của kinh tế biên mậu với nước bạn; đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm đầu tư đường cao tốc kết nối các tỉnh với đường cao tốc chính trong vùng.
Thứ hai . Đề nghị chính phủ sớm rà soát ưu tiên bố trí đủ vốn cho việc xây dựng đường tuần tra biên giới, có xem xét đến vùng đặc biệt khó khăn vùng trọng điểm, đặc biệt là vùng biên giới giáp với Trung quốc góp phần giữ vững đường biên mốc giới, bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Qua đó tạo được công ăn việc làm cho đồng bào nghèo, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền, giảm dần sự so sánh đầu tư giữa hai bên đường biên.
Thứ ba: Đề nghị chính phủ sớm bố trí kinh phí để rà phá bom mìn vật liệu nổ, quy tập mộ liệt sỹ và giải phóng đất canh tác để bà con đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, cư dân dọc biên giới có thêm đất sản xuất tại chỗ.
Thứ tư: Đề nghị Chính phủ tiếp tục sớm rà soát đầu tư cho đồng bào xây dựng hồ treo chứa nước sinh hoạt với quy mô vừa và nhỏ (hiện nay Hà Giang đang cần 297 hồ) để giúp đồng bào ổn định cuộc sống, bám trụ, giữ vững vùng đất biên cương của Tổ quốc.
Ngọc Hà
Ý kiến bạn đọc