"Chương trình xây dựng nông thôn mới tạo bước đột phá lịch sử"
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam, vị thế người nông dân được nâng cao.
Sáng 19/10, tại Thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Nam Định là 1 trong 2 địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Cùng dự hội nghị có: nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Thêm phương châm "Dân cần, dân thụ hưởng”
Tính đến giữa tháng 10/2019, thành tựu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là vượt bậc khi đã có 8 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương, Đà Nẵng, Thái Bình, Hà Nam, Cần Thơ, Hưng Yên.
Đặc biệt, có hai tỉnh là Đồng Nai và Nam Định đã có toàn bộ số huyện và xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2020, cả nước sẽ có thêm từ 4 đến 5 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. |
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong cho biết, có hai nhân tố then chốt giúp Nam Định về đích sớm 1,5 năm. Thứ nhất là sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Thứ hai là làm tốt công tác định hướng, vận động quần chúng nhân dân với quan điểm, xây dựng nông thôn mới chính là phục vụ người dân nông thôn. Cộng đồng dân cư nông thôn vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, vừa là đối tượng thụ hưởng khi xây dựng nông thôn mới với phương châm “dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ hưởng”.
Việc bổ sung thêm hai cụm từ “dân cần” và “dân hưởng thụ” chính là sự tổng kết cả về lý luận và thực tiễn. Bởi thực tế cho thấy, tiến độ xây dựng nông thôn mới chỉ được đẩy nhanh, đẩy mạnh khi tư tưởng người dân được thông suốt và hăng hái tham gia. Cũng nhờ đó, riêng công tác dồn điền, đổi thửa, một nhiệm vụ rất khó ở nhiều địa phương, đã được Nam Định gần như hoàn thành từ năm 2015.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai thấy rằng, cần có cơ chế chính sách mới phù hợp hơn với giai đoạn mới. Đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng khó khăn xuất phát điểm còn thấp, rất cần cơ chế hỗ trợ để khuyến khích thêm, để nhân dân có động lực xây dựng nông thôn mới tốt hơn.
"Ví dụ như đối với các xã vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc địa bàn dân cư thưa thớt và khó khăn như vậy thì nguồn lực phân bổ để đầu tư hạ tầng là hết sức quan trọng. Thứ hai là có cơ chế đào tạo nhân lực cho vùng này, để nâng cao dân trí, để bà con tiếp thu được khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập" - ông Tuấn nói.
Để duy trì và làm tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới, ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình đề nghị Chính phủ tiếp tục bố trí đầy đủ nguồn lực cho địa phương. Đồng thời sớm thay đổi Luật đất đai sửa đổi, đất đai được tập trung thì mới kéo được doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, CHính phủ cần sớm ban hành khung pháp lý nông thôn mới giai đoạn tới để cho các cơ sở triển khai sớm đưa vào nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp.
Bước đột phá lịch sử
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại định hướng mà Bác Hồ đã nêu ra: “Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Thủ tướng cho rằng, Nghị quyết 26 của BCH Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mang dấu ấn lịch sử. Bởi lần đầu tiên, một Nghị quyết của Đảng đề cập toàn diện cả 3 nội dung lớn mang tính hữu cơ này, nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức, tập trung sức chỉ đạo, huy động tổng thể nguồn lực để triển khai. Trong đó, mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, cải thiện nhanh chóng đời sống người nông dân và xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, bản sắc.
Triển khai Nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, trong đó hướng tới phát triển toàn diện với việc có 19 tiêu chí để lượng hóa và giám sát.
Điều mà Thủ tướng nhấn mạnh là chúng ta triển khai chương trình ngay trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp khó khăn.
"Rủi ro của chúng ta là khi ban hành Nghị quyết, chương trình thì kinh tế thế giới khủng hoảng ảnh hưởng đến trong nước. Nguồn lực 5 năm đầu gặp nhiều khó khăn. Huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ ngân sách rất ít. Số lượng xã được công nhận ít, nhưng chúng ta tiến tới, kiên nhẫn. Chính khó khăn đó, một số người không tin, cả bạn bè quốc tế không tin. Chúng tôi hỏi làng Hạnh Phúc bên Hàn Quốc, họ nói Việt Nam còn khó khăn thế này thì khó thành công. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta vẫn quyết tâm thực hiện chương trình này. Đây là bài học rất quý trong quá trình tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhìn lại kết quả sau hơn 9 năm triển khai Chương trình, Thủ tướng đánh giá, chúng ta có thể phấn khởi và tự hào khi Nghị quyết của Đảng, Chương trình của Chính phủ rất đúng, trúng, đi vào lòng người, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh của từng người dân, tạo nên sức mạnh to lớn, toàn diện, lịch sử.
Trước hết thể hiện ở sự chuyển biến về nhận thức một cách sâu sắc của đảng viên và toàn xã hội về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đây không chỉ là nơi thực hiện chính sách xã hội đơn thuần, là khu vực yếu thế mà nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam giờ đây thực sự là tiềm năng, thế mạnh, là vị thế to lớn nếu biết khai thác và khơi dậy.
Các địa phương đều đánh giá, vai trò của người dân nông thôn là hết sức quan trọng trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới. Chính người dân là chủ thể, thúc đẩy sự phát triển.
Con số cụ thể cho thấy, sau gần 10 năm, cả nước đã huy động được 2,4 triệu tỷ đồng, tức mỗi năm khoảng 10 tỷ USD để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Trong đó, hàng vạn km đường giao thông nông thôn được hoàn thành mà không phải mất một đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng nào. Chính nguồn lực đầu tư lớn đó đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Nếu so với mốc thực hiện Nghị quyết 26 từ năm 2009, thu nhập bình quân người dân nông thôn lúc bấy giờ là 9,7 triệu đồng/năm thì cuối năm 2018, mức này đã là 35,9 triệu đồng, tăng 3,7 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19% xuống còn chỉ trên 4% vào cuối năm nay.
Đời sống vật chất được cải thiện thì đời sống văn hóa, tinh thần, trình độ người dân được nâng lên, đặc biệt hệ thống chính trị vững mạnh, người dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, trong đó, cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến việc hưởng ứng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 26 của Trung ương, chưa sát sao trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, chênh lệch vùng miền còn thể hiện rõ, cho thấy việc phân bổ nguồn lực cho sự phát triển chưa đúng mức. Các chỉ tiêu phát triển sản xuất, chăm lo sức khỏe, môi trường sống cho người dân chưa đồng bộ so với kết quả phát triển hạ tầng. Bộ tiêu chí đã chỉnh sửa nhưng chưa phát huy tính sáng tạo đặc thù của từng vùng, từng miền, trong cộng đồng, cấp độ dân cư và tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa...
Thủ tướng nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo ra một bước đột phá lịch sử, làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam, vị thế người nông dân được nâng cao, cuộc sống được cải thiện rõ nét sẽ giúp nông nghiệp được tái cơ cấu theo hướng hiện đại bền vững hơn.
Sẽ có chương trình quốc gia về dân tộc, miền núi
Về phương hướng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần phát huy những kết quả đạt được trong 10 năm qua cũng như thành quả 33 năm đổi mới. Cùng với đó là đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; những nguy cơ, thách thức của biến đổi khí hậu...
"Chúng tôi đưa ra phương châm, đó là phải tận dụng tối đa các cơ hội phát triển; hạn chế đến mức thấp nhất các nhân tố bất lợi, biến nguy cơ thành cơ hội. Thời cơ là kinh nghiệm, là đường lối, là con người. Còn nguy cơ trực tiếp là biến đổi khí hậu mà mọi vùng miền đều bị tác động cũng như nhiều yếu tố khác. Thứ hai là phải tiếp tục coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thế mạnh, còn nhiều dư địa, là lợi thế trong tiến trình phát triển và hội nhập. Phải mạnh dạn, quyết tâm, dám đặt mục tiêu cao hơn. Các địa phương phải đi tiên phong trong phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đặc thù, xây dựng một nền nông thôn xanh sạch, đẹp và bản sắc, đáng sống" - Thủ tướng cho biết.
Tán thành với nhiều đề xuất của các địa phương về việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới rộng khắp, nhất là vùng khó khăn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Trong Báo cáo của ban Chỉ đạo có nêu xây dựng nông thôn mới không chỉ ở đồng bằng mà cả miền núi, làng bản, xã đảo. 14 triệu đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa không được 19 tiêu chí thì cũng phải được 10 tiêu chí để đồng bào dân tộc được hưởng lợi.
Chính phủ đã trình Quốc hội để ban hành một chương trình về dân tộc miền núi, ghép 18 chương trình nhỏ lẻ lại để thành một chương trình quốc gia lớn hơn, để thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới cùng với mục tiêu của Ban Chỉ đạo quốc gia. Vì thế mục tiêu đưa ra là trong 5 năm tới, nhóm đã hoàn thành 19 tiêu chí trong giai đoạn 2010-2020 cần có mục tiêu cao hơn cả về sản xuất, đời sống, môi trường, đặc biệt là hoàn thiện hạ tầng. Đặc biệt tập trung lo văn hóa, nhất là việc chống các tệ nạn xã hội xây dựng văn hóa nông thôn, giữ gìn văn hóa bản sắc của người Việt Nam, của dân tộc ta.
Yêu cầu nhóm gần 50% số xã còn lại của cả nước chưa về đích nông thôn mới phải nỗ lực hơn nữa, Thủ tướng cho biết, mục tiêu đến năm 2025 phải có ít nhất 75% số xã cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó ít nhất 20% đạt chuẩn kiểu mẫu.
50% số huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó có 10% đạt chuẩn kiểu mẫu. Có ít nhất 19 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn vào năm 2025 phải tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Nêu các nhóm giải pháp quan trọng để thực hiện chương trình trong giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng lưu ý một số địa phương không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được mà phải luôn nhất quán quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, chưa và không có điểm kết thúc.
Thủ tướng cũng lưu ý 4 vấn đề cốt lõi trong việc xây dựng nông thôn mới. Một là không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống của người dân miền núi, nông thôn. Hai là xây dựng miền quê đáng sống xanh sạch đẹp. Ba là bảo tồn, phát triển song hành giữa văn hóa và nét đẹp văn hóa của người dân trong quá trình phát triển. Và 4 là, xây dựng hệ thống chính trị, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng ta không ngừng vững mạnh.
Theo: VOV.VN
Ý kiến bạn đọc