"Mái nhà" chung khối đại đoàn kết toàn dân tộc
BHG - Phát huy truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam, những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trở thành “mái nhà” chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận xã hội; chung sức, chung lòng cùng với Đảng bộ, chính quyền vượt qua khó khăn, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN.
Dưới sự tuyên truyền, vận động của MTTQ và các tổ chức thành viên, nhân dân hăng hái lao động sản xuất, xây dựng Nông thôn mới. Trong ảnh: Mô hình trồng rau trong nhà lưới đem lại thu nhập cao của nông dân xã Đạo Đức (Vị Xuyên). |
Cách đây 64 năm, từ ngày 5.9 đến 10.9.1955, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất toàn quốc đã họp quyết định thành lập MTTQ Việt Nam. Nói chuyện trong buổi lễ bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cương lĩnh này là một cương lĩnh đại đoàn kết, mục đích của nó là đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước… MTTQ sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là giúp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Trải qua 64 năm, MTTQ các cấp trong tỉnh đã thực hiện đúng lời căn dặn của Người bằng việc đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động ở cơ sở như: Đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giúp đỡ và động viên nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống; phát huy dân chủ và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…
Với phương châm: “Lấy sức dân để xây dựng cuộc sống cho dân, lấy lợi ích chung của cộng đồng làm điểm tương đồng, lấy sự tiến bộ và nâng cao chất lượng cuộc sống ở khu dân cư làm mục đích”, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã bám sát địa bàn dân cư và từng hộ gia đình để triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động một cách hiệu quả, thiết thực. Từ đó, góp phần cổ vũ, động viên nhân dân chủ động, tích cực phát huy nội lực, phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa để giảm nghèo bền vững, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên tập trung tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện. Trong nhiệm kỳ vừa qua, các huyện, thành phố tổ chức được 4.868 đợt ra quân xây dựng NTM với trên 700.000 lượt người tham gia. Vận động được 570.893 ngày công làm được 2.310,5 km đường bê tông nông thôn, sửa chữa nâng cấp được 1.545,5 km đường liên thôn, nhân dân hiến 515.921 m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động và duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường ở khu dân cư, chỉnh trang đô thị, cải tạo vỉa hè, giải phóng các điểm lấn chiếm hành lang đường bộ. Ngoài ra, MTTQ các cấp cũng đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân thực hiện Đề án 1 triệu tấn xi măng của tỉnh; qua đó đã phát huy hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách, nguồn xã hội hóa và nội lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH. Kết quả, trong 5 năm 2014 – 2019, nhân dân đã đóng góp trên 140 tỷ đồng và hàng triệu ngày công xây dựng hạ tầng nông thôn, đến nay toàn tỉnh đã có 33 xã đạt chuẩn NTM; diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay.
Cùng với đó, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” tiếp tục được MTTQ các cấp triển khai sâu rộng, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền chăm lo cho người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Trong 5 năm qua, “Quỹ vì người nghèo” toàn tỉnh vận động được trên 15 tỷ đồng; kịp thời hỗ trợ sửa chữa, làm nhà đại đoàn kết, thăm hỏi và tặng quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, MTTQ tỉnh còn trao bò giống cho nhiều hộ nghèo của các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ theo hình thức nuôi luân chuyển, với tổng trị giá 500 triệu đồng theo Đề án tạo sinh kế cho người nghèo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; góp phần giải quyết về con giống chăn nuôi cho các hộ nghèo.
MTTQ các cấp trong tỉnh cũng thực hiện tốt việc lắng nghe nhân dân nói và quan tâm những vấn đề bức xúc của cuộc sống bằng các hoạt động như: Giám sát công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tham gia giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể; giám sát về chương trình nước sạch; chế độ chính sách của học sinh nội trú, bán trú; giám sát kết quả đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng các công trình hạ tầng nông thôn… Từ đó, nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Với phương châm: Hướng mạnh hoạt động về cơ sở, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian tới, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường tập hợp các tầng lớp nhân dân; triển khai hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh để Mặt trận thực sự trở thành “mái nhà” chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xứng đáng là “cầu nối” giữa Đảng với nhân dân.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc