Hoàng Su Phì mùa vàng vẫy gọi
BHG - Cung đường 60 km cua tròn liên tục từ Quốc lộ 2 (Bắc Quang) vào Hoàng Su Phì mang lại cảm giác trong lành từ thiên nhiên, nhưng rất đỗi mạo hiểm. Cảm giác đi trên cung đường với một bên núi cao, một bên là vực sâu khiến đầu óc lữ khách nhiều lúc căng như dây đàn. Đặt chân vào đất Hoàng Su Phì, du khách sẽ bị cuốn hút ngay bởi những ruộng bậc thang mùa gặt, nắng trải vàng như giót mật ong rừng với phong cảnh hoang dã. Rồi những lễ hội văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc, có sức cuốn hút kỳ lạ.
Những bậc thang vàng Hoàng Su Phì mùa du lịch. |
Mảnh đất Hoàng Su Phì nằm trên bình địa có độ cao trung bình 1.000 m so với mực nước biển. Nơi đây địa hình chia cắt mạnh, núi cao, thung sâu, nhiều khe suối, rừng nguyên sinh…rất phù hợp phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá. Bên cạnh những độc đáo về thiên nhiên, cảnh sắc, Hoàng Su Phì còn ẩn chứa trong mình một kho tàng văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số như Dao, Mông, Nùng, Clao, La Chí. Mỗi dân tộc có tập tục sinh hoạt, lễ hội riêng được tổ chức vào các mùa trong năm, như lễ hội “Gàu Tào” của dân tộc Mông, “tắm than” của người Dao, “Lồng Tồng” của dân tộc Tày, “Hội cúng rừng” của người Nùng. Ngoài ra còn các làn điệu dân ca, dân vũ như hát giao duyên, hát cọi, hát si, lượn, then, múa khèn và các trò chơi dân gian như đẩy gậy, đi cà kheo, đánh yến, liếm lưỡi cày nung đỏ, giữ gậy, đánh sảng được lưu truyền, gìn giữ và phát huy đã thực sự cuốn hút du khách đến với Hoàng Su Phì.
Thảm lúa thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên. |
Từ nhiều năm nay, du khách nước ngoài đã biết đến Hoàng Su Phì qua con đường du lịch khám phá. Nhiều đoàn khách đã chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi cao 2.402m, dải Tây Côn Lĩnh cao 2.400m so với mực nước biển, đã dành nhiều thời gian tham gia các sinh hoạt văn hoá cộng đồng ở các làng, bản của đồng bào các dân tộc. Những khu rừng già nguyên sinh, những nét hoang sơ, đậm sắc màu dân tộc trong các lễ hội văn hoá luôn là sự huyền bí, mời gọi du khách khám phá. Nhằm đánh thức tiềm năng du lịch, Hoàng Su Phì đang rất nỗ lực, khôi phục, phát huy những nét đẹp văn hoá, mở các tour, tuyến nhằm thu hút du khách.
Khách du lịch trải nghiệm bắt cá chép sống trong ruộng bậc thang. |
Các làng nghề truyền thống, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du khách như: Lò rèn đúc tại làng văn hoá du lịch Lê Hồng Phong xã Nam Sơn, dệt thổ cẩm, may trang phục dân tộc xã Hồ Thầu, Nam Sơn, Nậm Ty cũng được khôi phục, tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn du khách.
Khu du lịch sinh thái Nậm Hồng, xã Thông Nguyên. |
Ông Nguyễn Việt Tuân, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Hoàng Su Phì, cho biết: Hiện có 8 làng văn hoá du lịch nằm sát khu du lịch Pan - Hou, tạo thành các điểm vệ tinh xung quanh để phục vụ khách du lịch nước ngoài khi đến tham quan, tìm hiểu giá trị văn hoá truyền thống của địa phương. Làng văn hoá du lịch dân tộc Lê Hồng Phong xã Nam Sơn, dân tộc Dao đỏ thôn Đoàn Kết, Tân Phong, xã Hồ Thầu nằm trên tuyến du lịch đi bộ Thông Nguyên - Nam Sơn - Bản Luốc - Vinh Quang. Làng văn hoá du lịch dân tộc Mông thôn Nậm Dịch, xã Bản Péo, Dao đỏ thôn Nậm Piên xã Nậm Ty nằm trên tuyến Hoàng Su Phì - Hà Giang đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thường xuyên của khách nước ngoài.
Những cô gái dân tộc Cờ Lao hái chè. |
Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện đã có trên 10 di tích, di sản được các cấp ra quyết định xếp hạng di sản, trong đó có 4 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh; 4 di sản văn hóa cấp Quốc gia, 3 di sản văn hóa phi vật thể…
Trải nghiệm dù lượn trên những thửa ruộng bậc thang. |
Đến nay, toàn huyện đã có hơn 10 nhà nghỉ, khách sạn với trên 200 phòng, gần 400 giường, trong đó có 1 resort 2 sao, 1 khách sạn 1 sao, 2 Bungalow, còn lại là nhà nghỉ, hơn 20 homestay tại 8 làng văn hóa du lịch trải đều trong huyện. Toàn huyện có trên 30 nhà hàng ăn uống, sẵn sàng phục vụ du khách những món ăn truyền thống được coi là đặc sản địa phương như: Thắng cố, thịt treo, da trâu khô, cháo lảo hay những món dân dã như xôi ngũ sắc, bánh áp chao…
Lễ hội Bàn vương dân tộc Dao, xã Hồ Thầu. |
Theo ông Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, năm nay tuần văn hóa du lịch huyện Hoàng Su Phì được tỉnh tổ chức, về quy mô và các hoạt động đều lớn hơn rất nhiều so với năm trước. Thông qua chương trình “Qua những miền di sản ruộng bậc thang” nhằm quảng bá vẻ đẹp của ruộng bậc thang trong mùa lúa chín, được khách du lịch gọi với cái tên “những bậc thang vàng”. Mỗi năm có hàng chục nghìn lượt khách đến Hoàng Su Phì để thưởng thức cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thiên nhiên và khám phá bản sắc văn hóa dân gian đã được gìn giữ qua cả ngàn thế hệ, doanh thu từ dịch vụ du lịch tăng mạnh, người dân đã có nguồn thu nhập ổn định từ hoạt động du lịch.
Những cô gái người Dao Đỏ thân thiện, mến khách. |
Đến với Hoàng Su Phì những ngày tháng 9 này, trong Tuần lễ “qua những miền di sản ruộng bậc thang”, khách du lịch sẽ được trải nghiệm bay dù lượn trên những thửa ruộng bậc thang, được tham gia thu hoạch lúa và sinh hoạt trải nghiệm cuộc sống hàng ngày cùng với những người nông dân; được thưởng thức nghệ thuật pha trà; đua mô tô mạo hiểm và khám phá văn hóa đặc sắc riêng của đồng bào nơi đây thông qua các lễ hội truyền thống.
Đức Long (Hoàng Su Phì)
Ý kiến bạn đọc