Xây dựng Nông thôn mới, nhìn từ kinh nghiệm của tỉnh Hà Tĩnh
BHG - Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy Hà Giang đã có chuyến công tác, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Hà Tĩnh. Những kết quả ấn tượng trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở vùng đất “địa linh nhân kiệt” này được xem có thể giúp tỉnh ta học tập, thực hiện xây dựng NTM hiệu quả.
Đoàn công tác của BTV Tỉnh ủy tham quan vườn dưa trồng trong nhà lưới tại gia đình ông Lê Văn Bình, xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân |
Những ngày ở Hà Tĩnh, đoàn công tác của BTV Tỉnh ủy đã được tham quan Khu dân cư kiểu mẫu thôn Phong Giang, xã Tiên Điền và trang trại tổng hợp của ông Lê Văn Bình, thành viên HTX Nga Hải, xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân. Đây là huyện đầu tiên của Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM (năm 2018). Những địa phương, cá nhân mà đoàn công tác của BTV Tỉnh ủy đến thăm đều là điển hình trong xây dựng NTM của huyện. Thôn Phong Giang là thôn đạt chuẩn Khu dân cư kiểu mẫu của xã Tiên Điền và huyện Nghi Xuân. Thôn có diện tích 71,1 ha, 185 hộ dân với 633 khẩu. Sản xuất nông nghiệp của người dân chủ yếu dựa vào cây lạc. Nhưng tính đến cuối tháng 7, thu nhập bình quân đầu người đạt 39,5 triệu đồng/năm, cả thôn chỉ còn 2 hộ nghèo. Nhìn rộng hơn, xã Tiên Điền có 7 thôn, 910 hộ, trên 3.000 khẩu, diện tích chỉ hơn 364ha nhưng hiện nay thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 37,48 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,87%. Còn đối với trang trại của gia đình ông Lê Văn Bình ở thôn Hương Mỹ, xã Xuân Mỹ có diện tích sản xuất 5ha, thực hiện liên kết với doanh nghiệp nuôi 1.800 con lợn/lứa; trồng 5.000m2 dưa trong nhà lưới; nuôi 100 con bò, 3ha ao cá và tổ chức du lịch trải nghiệm Nông thôn mới cho học sinh, sinh viên. Trang trại của ông Bình sử dụng tới 20 lao động thường xuyên, với thu nhập bình quân 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu năm 2018 đạt 5 tỷ đồng, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.
Đoàn công tác của BTV Tỉnh ủy tham quan Khu dân cư kiểu mẫu thôn Phong Giang, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân |
Không chỉ đến Nghi Xuân, đoàn của BTV Tỉnh ủy đã đến tham quan thôn Thông Tự, Châu Nội, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Hình ảnh thực tế về kết quả xây dựng NTM của các thôn, xã khiến các thành viên đoàn công tác tỉnh ta đánh giá cao. Cụ thể: Xã Tùng Ảnh có tới 300 người con quê hương có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ. Có lẽ bởi thế nhận thức của người dân nơi đây rất cao khi có 553/1.998 hộ đang chuyển dịch từ phát triển nông nghiệp sang dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp, kinh tế ổn định, phát huy nội lực xây dựng NTM. Tính đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41,3 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,8%. Năm 2019, xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Hai thôn Thông Tự và Châu Nội của xã Tùng Ảnh hiện đều là khu dân cư kiểu mẫu của xã, huyện. Khuôn viên từng ngôi nhà, đường làng, ngõ xóm ở đây đều sáng, xanh, sạch, đẹp; tường rào các hộ phần lớn được kết cấu bằng các loại cây trồng, hạn chế tối đa gạch, đá, bê tông.
Điều đặc biệt ở những khu dân cư kiểu mẫu mà đoàn công tác đến thăm, các gia đình đều xây dựng những khu vườn kiểu mẫu. Các vườn được quy hoạch trồng cây, chăn nuôi cụ thể, có bản đồ rõ ràng từng diện tích thể hiện cơ cấu giống cây, con. Chính vì thế, thu nhập bình quân từ các hộ từ trồng trọt, chăn nuôi của gia đình luôn ở mức cao từ vài chục cho đến hàng trăm triệu đồng/năm.
Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh có 158 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 68,99% tổng số xã, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tỉnh, nhiệm kỳ 2015 – 2020 trước 2 năm; bình quân mỗi xã của tỉnh Hà Tĩnh đã đạt 18,12 tiêu chí (năm 2010 là 3,5 tiêu chí); không còn xã dưới 11 tiêu chí; xây dựng được 283/1.755 khu dân cư đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 3.382 vườn mẫu đạt chuẩn. Đây thực sự là kết quả ấn tượng bởi năm 2010 tỉnh Hà Tĩnh có đến 183 xã dưới 5 tiêu chí, trong đó có 20 xã không đạt tiêu chí nào và không có xã đạt 10 tiêu chí trở lên. Hiện thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Hà Tĩnh đạt 28 triệu đồng/người/năm, tăng 3,3 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,82%; toàn tỉnh có 5 xã cơ bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và huyện Nghi Xuân đạt chuẩn huyện NTM cuối năm 2018.
Khuôn viên nhà ở, đường làng ngõ xóm luôn sáng – xanh – sạch – đẹp ở các khu dân cư kiểu mẫu của Hà Tĩnh (Trong ảnh: Một góc khu dân cư thôn Châu Nội). |
Ngoài những con số “biết nói” kết quả lớn nhất trong xây dựng NTM ở Hà Tĩnh là đa số người dân và cán bộ đã chuyển biến cơ bản tư duy, nhận thức, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Mọi người, mọi nhà, xóm làng đã nhận thức được xây dựng NTM là xây dựng đời sống mới cho chính mình, vì vậy xác định mình là chủ thể, tự giác thực hiện. Đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến huyện, xã, thôn vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết…
Theo lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh, BCĐ chương trình xây dựng NTM từ tỉnh đến xã luôn xác định quan điểm chỉ đạo: Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, xuyên suốt của tất cả các tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội, phát huy cao vai trò chủ thể của người dân; vừa “Diện” vừa “Điểm”, 2 năm đầu là “Điểm và diện”, về sau là “Diện và Điểm”; thực hiện theo phương châm “Nâng đầu, đỡ cuối, tất cả cùng tiến bộ và phát triển”. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm: “Tỉnh định hướng, huyện chỉ đạo, xã thực hiện”; làm từ trong mỗi gia đình, đến cộng đồng, thôn xóm; thực chất, có chiều sâu, bền vững.
Cùng với đó, ngoài 19 tiêu chí NTM theo quy định, Hà Tĩnh đã bổ sung thêm tiêu chí 20 là khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu; các khu dân cư kiểu mẫu lại xây dựng thêm tiêu chí có một đội văn nghệ dân gian. Qua đó tạo ra diện mạo mới, có chiều sâu, bền vững cao trong cộng đồng khu dân cư, đảm bảo sự thuyết phục khi công nhận xã đạt chuẩn; khơi dậy được tinh thần “tự tôn, tự tin và tự chủ” của người dân và cộng đồng, phát huy nguồn lực từ nhân dân. Xây dựng NTM đã trở thành nhu cầu đòi hỏi, khát vọng của người dân; tìm ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất nâng cao thu nhập; các khu dân cư dần hình thành những vùng quê “đáng sống” hơn, tạo sự gắn kết trong cộng đồng, tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt, dân tin Đảng hơn, Đảng gần dân hơn…
Ngoài những yếu tố trên, Hà Tĩnh đã làm tốt công tác huy động, lồng ghép các nguồn vốn cho xây dựng NTM. Theo thống kê, trong giai đoạn 2011 - 2018 tỉnh đã huy động được trên 150 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn tín dụng 124 nghìn tỷ đồng (chiếm 82,4%), nhân dân đóng góp trực tiếp 12 nghìn tỷ đồng (chiếm 8%), đóng góp của con em xa quê hơn 261,5 tỷ đồng. Bình quân 1 đồng ngân sách nhà nước bỏ ra, Hà Tĩnh huy động được 10,6 đồng từ các nguồn khác để đóng góp, đầu tư xây dựng NTM.
Thực tế Hà Giang có những điều kiện tự nhiên, KT - XH khác Hà Tĩnh. Nhưng cũng có điểm chung là xuất phát điểm thấp; cấp ủy, chính quyền các cấp đều thể hiện quyết tâm, quyết liệt thực hiện chương trình… Nếu vận dụng linh hoạt, chắc chắn nhiều mô hình của Hà Tĩnh có thể áp dụng cho các địa phương của tỉnh xây dựng NTM, giúp đổi thay bộ mặt nông thôn của tỉnh hơn nữa, như Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đã từng nhận định: Kết quả xây dựng NTM, nhất là trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu và huy động sức dân của Hà Tĩnh là kinh nghiệm hay để tỉnh ta có thể học tập.
Từ một tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người (GRDP) năm 2010 ở vị trí 50/63 tỉnh, thành phố, hiện nay Hà Tĩnh đứng thứ 32/63 cả nước với GRDP đạt 51 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 18%, năm 2018 tốc độ tăng trưởng đạt 20,8% (cao nhất cả nước). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,82%. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 84,72%, nông - lâm - ngư nghiệp giảm còn 15,28 %. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể, nhiều vùng quê nông thôn thực sự trở thành nơi "đáng sống" hơn… |
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc