Phó Chủ tịch Quốc hội: Hà Giang nên tìm hướng đi riêng và chọn 3 tập trung, 3 đột phá, 6 giải pháp
BHG - Sáng 22.8, đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn công tác gồm các đồng chí: Nguyễn Đức Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội; Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Dương Quốc Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội… đã có buổi làm việc với BTV Tỉnh ủy. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; Thường trực HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành…
Đoàn công tác của Quốc hội làm việc với BTV Tỉnh ủy. |
Báo cáo tình hình phát triển KT – XH của tỉnh giai đoạn 2016 – 2019 tới đoàn công tác của Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nêu bật: Giai đoạn 2016 – 2019, kinh tế của tỉnh có mức tăng trưởng khá, trung bình 6 – 7%/năm. Thu ngân sách năm 2018 đạt trên 2.000 tỷ, dự kiến năm 2019 đạt trên 2.200 tỷ. Toàn tỉnh đã có 33 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 18,6% tổng số xã toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,16%/năm, hiện còn 31,17%, từ năm 2016 đến hết năm 2018 đã giảm được trên 18.200 hộ nghèo. Tỷ lệ che phù rừng năm 2018 đạt 56,5%, tăng 1,4% so với năm 2016.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn báo cáo đoàn công tác của Quốc hội tình hình phát triển KT – XH của tỉnh giai đoạn 2016 – 2019. |
Từ đầu nhiệm kỳ 2015 – 2020 đến nay, tỉnh đã ban hành 8 nghị quyết tập trung chỉ đạo, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, khuyến khích phát triển các lĩnh vực trọng tâm như: Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển kinh tế biên mậu, phát triển du lịch; hỗ trợ học sinh bán trú, cán bộ quản lý, người phục vụ học sinh bán trú tại các trường phổ thông công lập; hỗ trợ cán bộ công chức, viên chức, lao động hợp đồng tự nguyện thôi việc, nghỉ chờ đủ tuổi nghỉ hưu… Qua đó, đã huy động trên 600 tỷ đồng vốn tín dụng cho đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, du lịch, kinh tế biên mậu; nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản của tỉnh đã trở thành sản phẩm hàng hóa như cam sành, mật ong bạc hà, chè… Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2016 – 2019 đạt 1,6 tỷ USD, tăng 40% so với giai đoạn 2011 – 2015; lượng khách du lịch đến tỉnh ngày càng tăng, năm 2018 đạt trên 1,1 triệu lượt, tăng 33% so với năm 2016.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ phê duyệt kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cho tỉnh triển khai xây dựng tuyến cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai; bố trí kinh phí cho Hà Giang tiếp tục thực hiện đầu tư các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng phục vụ phát triển KT – XH; bố trí vốn đầu tư “hồ treo” đáp ứng nước sinh hoạt cho người dân vùng cao và hỗ trợ nguồn lực thúc đẩy phát triển KT – XH vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; hỗ trợ rà phá bom mìn trên tuyến biên giới và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn kiến nghị T.Ư một số nội dung. |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn kiến nghị T.Ư giao lại đất của 3 Công ty lâm nghiệp: Vĩnh Hảo, Ngòi Sảo và Cầu Ham về tỉnh quản lý để người dân có thêm đất sản xuất và dành quỹ đất triển khai tái định cư cho các hộ sống trong vùng nguy cơ sạt lở; cho phép tỉnh thực hiện thí điểm hoạt động xe ô tô du lịch tự lái từ Trung Quốc sang Hà Giang để thu hút du khách.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng phát triển lĩnh vực nông nghiệp của Hà Giang cần gắn với du lịch bằng những sản phẩm đặc thù, đặc sản. |
Các thành viên đoàn công tác của Quốc hội cho rằng trong phát triển nông nghiệp tỉnh cần gắn kết chặt chẽ với du lịch bằng những sản phẩm đặc thù; có định hướng, chiến lược phát triển lâu dài lĩnh vực du lịch và quan tâm thu hút đầu tư hạ tầng phục vụ đa dạng nhu cầu của du khách; lựa chọn bước đi phù hợp, tạo sự đột phá cho các tiểu vùng khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; nghiên cứu, đánh giá kỹ nguy cơ sạt lở thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần kiến nghị T.Ư giải pháp xử lý; xây dựng lộ trình đầu tư xây dựng hồ chứa nước sinh hoạt cho người dân vùng cao đề xuất T.Ư hỗ trợ kinh phí…
Đồng chí Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đề nghị tỉnh quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao kết quả tỉnh ta đạt được trên các lĩnh vực những năm qua. Đồng thời nêu bật những lợi thế tỉnh có thể khai thác để phát triển như: Có nhiều vùng khí hậu giúp phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và dược liệu; có sự đa dạng lịch sử và văn hóa các dân tộc, với rất nhiều điểm nhấn phát triển du lịch; đường biên giới dài, tiếp giáp 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, là “cánh cửa” mở ra thị trường tiêu thụ sản phẩm với hơn 100 triệu dân; nguồn lao động dồi dào, tài nguyên khoáng sản phong phú và đồng bào các dân tộc của Hà Giang có tinh thần đổi mới, vượt khó, ý chí khát vọng…
Đồng chí Phùng Quốc Hiển cũng chỉ ra khó khăn, nút thắt của tỉnh gồm: Giao thông, nước sinh hoạt; mất cân đối vốn giữa nhu cầu phát triển và hỗ trợ của T.Ư; mất cân đối về lao động có tay nghề cao; cách thức tổ chức sản xuất, phương thức sản xuất manh mún, chưa tạo được khối lượng hàng hóa lớn, chưa có sản phẩm thực sự mang dấu ấn riêng…
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Phó Chủ tịch Quốc hội gợi mở: Hà Giang nên tìm hướng đi riêng, nên lựa chọn 3 tập trung, 3 đột phá và 6 giải pháp. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, 3 tập trung là: Coi phát triển nông, lâm nghiệp là mũi nhọn, xương sống nền kinh tế; phát triển dịch vụ, xây dựng chính sách biên mậu mềm dẻo, uyển chuyển phù hợp các chính sách của các địa phương đối đẳng; phát triển loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm, văn hóa lịch sử. Hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp phục vụ nông nghiệp và nền công nghiệp phục vụ nông nghiệp và du lịch. 3 đột phá là: Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, công nghệ thông tin và điện khí hóa; nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học, CNTT; đào tạo nguồn nhân lực ngay từ giáo dục phổ thông đến đào tạo nghề chất lượng cao. 6 giải pháp gồm: Đổi mới tư duy, cách nghĩ và cách làm, từ khâu lãnh, chỉ đạo đến đổi mới cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất; quy hoạch lại sự phát triển có kế thừa và tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư hợp lý nhất là đất đai, thủ tục hành chính; xây dựng và giữ gìn truyền thống văn hóa vật thể và phi vật thể; phát triển gắn với sự hài hòa về bảo vệ môi trường để phát triển bền vững; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quản lý đội ngũ cán bộ.
Với các kiến nghị của tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các thành viên đoàn công tác phối hợp với các bộ, ngành, Chính phủ, đề xuất Quốc hội phân bổ các nguồn ưu tiên giải quyết nguy cơ sạt lở thị trấn Cốc Pài, xử lý bom mìn và quy tập hài cốt liệt sỹ trên tuyến biên giới, hoàn thiện nâng cấp Quốc lộ 279, đầu tư hồ treo vùng Cao nguyên đá…
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cảm ơn chuyến công tác và những ý kiến gợi mở của Phó Chủ tịch Quốc hội cũng như các thành viên đoàn công tác Quốc hội đã chỉ ra sát với điều kiện thực tế của Hà Giang. Đồng thời khẳng định BTV Tỉnh ủy sẽ tiếp thu nghiêm túc, nghiên cứu, triển khai phù hợp với những tiềm năng, lợi thế, bản sắc văn hóa của địa phương, xây dựng hướng đi trong giai đoạn tới và tầm nhìn dài hạn. Bí thư Tỉnh ủy cũng chia sẻ những trăn trở về công tác giáo dục của Hà Giang, với mong muốn Quốc hội, Chính phủ có định hướng, chính sách và đánh giá chất lượng giáo dục ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn như Hà Giang.
Trước buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cùng các thành viên trong đoàn và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã dâng hoa, dâng hương các Anh hùng liệt sỹ tại Đài hương 468, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên).
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng các thành viên trong đoàn và lãnh đạo tỉnh dâng hoa, dâng hương các Anh hùng liệt sỹ tại Đài hương 468, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên)… |
Tin, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc