Di chúc của Bác có ý nghĩa đặc biệt đối với công tác xây dựng Đảng
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tầm nhìn vượt thời gian về yêu cầu phải xây dựng Đảng một cách toàn diện, thường xuyên liên tục.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 12/8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng”.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương và Tổng biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu cùng chủ trì buổi tọa đàm.
Tại tọa đàm, các tham luận và ý kiến nhấn mạnh: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình lý luận về xây dựng Đảng và củng cố Đảng cầm quyền, là một văn bản định hướng cho cách mạng Việt Nam, đặc biệt là cho công tác xây dựng Đảng.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trước hết nói về Đảng”. Điều này thể hiện mối quan tâm lớn nhất, sâu sắc nhất của Người về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trong sạch, vững mạnh.
Công tác xây dựng đảng, chỉnh đốn Đảng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ba nội dung lớn đó là: Thứ nhất, phải tăng cường đoàn kết, tính thống nhất trong Đảng- giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng là nhân tố quyết định sự thành công trong mọi nhiệm vụ “tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Thứ hai phải phát huy dân chủ trong Đảng, tự phê bình và phê bình thường xuyên và nghiêm túc. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm túc, tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Tự phê bình và phê bình để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyến điểm làm cho Đảng mạnh lên, phải có động cơ, thái độ tự phê bình và phê bình đúng đắn vì sự phát triển và vững mạnh của Đảng.
Thứ ba là nguyên tắc cốt lõi trong xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền là hết sức coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và những tiêu cực, thoái hóa trong Đảng.
Trong Di chúc, khi viết về xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời viết về thế hệ trẻ, sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp bền bỉ, lâu dài, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, Bản Di chúc đã truyền cho thế hệ sau khát vọng cháy bỏng và ý chí quyết tâm thực hiện ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn đấu để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh.
“Càng ngày chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về giá trị và tầm quan trọng đặc biệt của bản Di chúc đối với công tác xây dựng Đảng. Đó là những căn dặn mang tầm nhìn vượt thời gian về yêu cầu phải xây dựng Đảng một cách toàn diện, thường xuyên liên tục cả về tư tưởng, tổ chức bộ máy đạo đức và cán bộ, về trách nhiệm của nhân dân, trách nhiệm của đảng trước nhân dân và dân tộc, về ý thức của một Đảng cầm quyền phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn để luôn trong sạch vững mạnh để lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng trong bối cảnh mới hiện nay”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng nói.
Các nhà khoa học cũng khẳng định, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, trong suốt 50 năm qua, Đảng cộng sản Việt Nam không ngừng chăm lo tự xây dựng, chỉnh đốn cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Hiện nay, Đảng ta đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, tự chuyển hóa trong nội bộ”.
Quan điểm về xây dựng chỉnh đốn Đảng là “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa “xây” và “chống”, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.
Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thế, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Bộ Quốc Phòng nêu ý kiến: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có những nơi mất sức chiến đấu. Chất lượng và hiệu quả của công tác tư tưởng lý luận chưa cao, đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn. Điều đáng lo ngại nổi lên hiện nay là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên chưa bị đẩy lùi, diễn biến tinh vi phức tạp”.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay, các đại biểu nhấn mạnh, cần xây dựng và củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng là Chủ nghĩa Marx- Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành và vận dụng phát triển sáng tạo lý luận vào thực tiễn Việt Nam trong điều kiện mới của thời đại.
Tăng cường sức mạnh tổ chức và tính kỷ luật của Đảng, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, uy tín và năng lực tổ chức, lãnh đạo, ngang tầm nhiệm vụ.
Cần chú trọng xây dựng những giá trị chuẩn mực đạo đức trong Đảng, ra sức học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chế độ kiểm tra giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên và kiểm soát quyền lực.
Theo: VOV.VN
Ý kiến bạn đọc