Thủ tướng: Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ
Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục định hướng, dẫn dắt phong trào công nhân cả nước trong tình hình mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm |
Sáng 28/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3.
Dự và phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công đoàn Việt Nam là lực lượng và chỗ dựa tin cậy, trung thành của Đảng, gắn bó máu thịt, hết lòng phấn đấu vì quyền lợi của giai cấp công nhân, người lao động; đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Cùng dự buổi lễ có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo và cán bộ Công đoàn Việt Nam qua các thời kỳ.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, cách đây 90 năm, ngày 28/7/1929, tại ngôi nhà số 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của tổ chức Công đoàn ngày nay được thành lập, do lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt to lớn của phong trào công nhân, khẳng định sự lớn mạnh của phong trào công nhân Việt Nam.
90 năm xây dựng và phát triển, trải qua 12 kỳ đại hội, với các tên gọi khác nhau: Công hội Đỏ, Nghiệp đoàn ái hữu, Hội công nhân phản đế, Hội công nhân cứu quốc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Công đoàn Việt Nam và nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam đã lớn mạnh toàn diện. Với gần 10,5 triệu đoàn viên, tổ chức công đoàn đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, tham gia đóng góp ngày càng to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, trong hững năm gần đây, trước yêu cầu đổi mới toàn diện và đồng bộ đất nước, các cấp công đoàn, trực tiếp là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn. Trước hết là đổi mới tư duy về công đoàn và hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3 cho Công đoàn Việt Nam. |
Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, 90 năm qua, Công đoàn Việt Nam luôn là tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân, được giai cấp công nhân và người lao động tin cậy, gắn bó; là chỗ dựa vững chắc, người cộng tác đắc lực của cơ quan nhà nước, là sợi dây nối Đảng, Nhà nước với quần chúng công nhân viên chức lao động, đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
“Với tinh thần nhìn lại để đi tới, đổi mới để phát triển, thời gian tới, cán bộ công đoàn các cấp tiếp tục đổi mới tư duy về công đoàn, nghề công đoàn và hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới. Tập trung thực hiện thật tốt chức năng cốt lõi, cơ bản của Công đoàn là đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bằng các hoạt động đa dạng, thiết thực nhất là hoạt động chăm lo lợi ích đoàn viên; tích cực tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội và tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát”, ông Bùi Văn Cường nói.
Tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3 cho tổ chức Công đoàn Việt Nam, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hiện nay, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra cho đất nước ta và tổ chức công đoàn những thời cơ và thách thức mới.
Việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục khẳng định được vai trò chủ lực, định hướng, dẫn dắt phong trào công nhân cả nước trong tình hình mới.
“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta luôn luôn kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Với vai trò và sứ mệnh ấy, sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tổ chức Công đoàn Việt Nam phải không ngừng đổi mới; Xây dựng giai cấp công nhân “có giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cao” là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và toàn xã hội. Trong đó tổ chức công đoàn có vai trò, trách nhiệm quan trọng.
Gợi mở 5 vấn đề về công tác đổi mới, xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh đáp ứng trong tình hình mới, trong đó Thủ tướng nhấn mạnh: Các cấp công đoàn, mà trước hết là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải tiếp tục nắm vững và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết 20 “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Thực hiện tốt chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức Công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Coi đây là nội dung then chốt để thu hút đông đảo người lao động tham gia, ủng hộ, tin tưởng và gắn bó với tổ chức Công đoàn. Nâng cao hiệu quả phương thức đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Công đoàn nắm chắc tình hình, tham mưu, đề xuất, phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc, mâu thuẫn trong quan hệ lao động, không để nảy sinh các vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống người lao động, gây mất an ninh trật tự xã hội.
Thực hiện tốt “Tuyên bố Thế kỷ về Tương lai Việc làm của Tổ chức Lao động Quốc tế năm 2019” với tinh thần là: thực hiện hiệu quả việc học tập suốt đời và giáo dục chất lượng cho mọi người; an sinh xã hội đầy đủ và bền vững; tôn trọng các quyền cơ bản của người lao động; mức lương đủ sống; hạn chế số giờ làm việc tối đa; an toàn - vệ sinh lao động tại nơi làm việc; khả năng đạt được cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn; thí điểm một số mô hình tổ chức công đoàn trước khi triển khai rộng rãi.
Thủ tướng cũng cho rằng cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, không để bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, có đủ phẩm chất, năng lực.
Trong điều kiện thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Thủ tướng cho rằng, Công đoàn phải đổi mới toàn diện để tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực, định hướng, dẫn dắt phong trào công nhân cả nước trong tình hình mới./.
Theo vov.vn
Ý kiến bạn đọc