Ký ức người lính
BHG - Tháng Tư này, tôi may mắn được gặp một trong những người con của Hà Giang, anh là người may mắn và tự hào được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975, Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Anh là Hoàng Long Hính, dân tộc Tày, quê huyện Bắc Quang, nguyên Trung đoàn phó Chính trị, Trung đoàn 247 bộ đội địa phương Hà Giang; nguyên Chủ tịch Hội CCB tỉnh. Hiện nay sinh sống tại phường Minh Khai, thành phố Hà Giang.
Anh kể: Nhập ngũ năm 1971, thuộc Tiểu đoàn 41, Sư đoàn 304B (Quân khu Việt Bắc), sau 3 tháng huấn luyện ở tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) anh được đơn vị chọn đi học Trường Hạ sĩ quan. Hoàn thành khóa học, anh được đề bạt Tiểu đội Trưởng huấn luyện quân của Sư đoàn 304B bộ binh tăng cường cho chiến trường miền Nam. Năm 1973, đơn vị anh được lệnh hành quân vào miền Nam, thuyên chuyển qua một số đơn vị rồi nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 7 đóng quân ở Gia Lai. Đầu tháng 9.1974, chuẩn bị cho Chiến dịch mùa khô 1974 - 1975, đơn vị anh làm nhiệm vụ trinh sát nắm tình hình địch vùng Phước Long, Bình Long, Buôn Ma Thuột và tham gia mặt trận Tây Nguyên. Anh bảo: Lúc đó là người lính, cấp trên giao nhiệm vụ đi đâu, làm gì thì chúng tôi chỉ biết phần việc của mình và rất hăng hái nhận và hoàn thành nhiệm vụ. Hôm đó, vào một đêm tháng 3.1975, đơn vị anh được lệnh phục kích chặn đánh Lữ đoàn dù ngụy tăng viện cho chúng ở mặt trận Tây Nguyên. Nhận rõ tầm quan trọng của chiến dịch Tây Nguyên và quyết tâm tiêu diệt địch, Trung đội anh đã chuẩn bị công tác tư tưởng rất khí thế, vũ khí, trang bị chu đáo, bao gồm súng chống tăng, cối, trung liên… phục kích bí mật chỉ cách mặt đường 20 mét, bất ngờ nổ súng ăn chắc. Khi quân địch đã vào đúng phương án, hỏa lực, binh lực của ta đồng loạt tấn công, các xe vận tải địch bốc cháy, bọn lính ngồi trên xe không kịp trở tay, bị chết và thương vong gần hết. Trận phục kích chỉ xảy ra chừng 20 phút, sau đó bộ đội ta rút vào rừng. Trận đánh địch thắng lợi hoàn toàn, Lữ đoàn dù ngụy tan tác, không thể tiếp ứng cứu nguy cho nhau. Thừa cơ, bộ đội ta đã tiến quân bằng xe tăng, kịp thời cho chiến dịch Tây Nguyên thắng lớn. Tiếp theo là một loạt các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… địch thất thủ.
Dinh Độc lập trưa ngày 30 /4/ 1975. Ảnh: Tư liệu |
Chiến thắng Tây Nguyên tạo thời cơ ta thừa thắng xốc tới, nhận chỉ lệnh của cấp trên, cùng với các sư đoàn, trung đoàn bạn, đơn vị tiếp tục hành quân tiến vào Khánh Hòa, Đắc Lắc… Ở đây cuộc chiến đấu rất ác liệt trước sự phòng ngự, ngoan cố của địch. Bộ đội ta đã phải huy động các hỏa lực mạnh, pháo binh hạng nặng yểm trợ bộ binh đánh vỗ mặt và thọc sườn địch, mới tiêu diệt được tuyến phòng thủ của chúng. Đến gần cuối tháng 3, chúng tôi được biết ta đã giải phóng được 8/44 tỉnh ở miền Nam.
Thắng lợi nối tiếp nối thắng lợi, đơn vị anh hành quân thần tốc lên Đà Lạt, Phan Giang… Ở đây địch mở trận “lá chắn thép” đưa các loại hỏa lực tối tân như pháo 175 ly (vua chiến trường) và chúng dùng sân bay Phan Giang uy hiếp ta. Ta đã điều Quân đoàn 3 tiến đánh làm tan rã chiến lược phòng ngự của địch. Sau khi giải phóng Phan Rang, đơn vị anh tiến lên Bình Phước, Bình Dương… Khí thế của quân ta như nước vỡ bờ, Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được đổi tên thành Chiến dịch Hồ Chí Minh, bắt đầu từ ngày 26.4.1975. Đơn vị anh Hính lúc đó nằm trong đội hình Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Trưa 28.4, anh Hoàng Long Hính được đề bạt là Trung đội Trưởng, do đồng chí Trung đội Trưởng lên thay chức vụ cao hơn… Tối 28.4, đơn vị nhằm hướng Dinh Độc Lập vừa đánh, vừa tiến. Đến sáng 29.4, đơn vị anh đến được cổng chính Cần Dù (Củ Chi). Sư đoàn 25 ngụy ngoan cố tử thủ. Ta và địch chiến đấu rất ác liệt trong nhiều tiếng đồng hồ. Tiếp đó, đơn vị anh tiến vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Rạng sáng 30.4.1975, các binh đoàn chủ lực và lực lượng tại chỗ của ta đồng loạt tiến công vào nội đô Sài Gòn. 9 giờ 30 phút, Dương Văn Minh tuyên bố trên Đài Phát thanh Sài Gòn đề nghị Quân giải phóng ngừng tiến công “để cùng nhau thảo luận, bàn giao chánh quyền trong vòng trật tự”.
Anh Hính kể tiếp: Chúng tôi được quán triệt tiếp tục tiến công theo kế hoạch đã định. Các cánh quân lần lượt đánh chiếm các mục tiêu được phân công… tạo thành gọng kìm thít chặt quân ngụy ở Sài Gòn. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, nắm bắt thời cơ đánh địch, đến trưa 30.4.1975, đơn vị tôi đã đánh chiếm được Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Trước đó, khoảng 8 giờ sáng ngày 30.4, qua Radio của Đại đội Trưởng Nguyễn Hữu Thìn, quê Thịnh Đán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái (nay Thái Nguyên), thông báo Đại tướng ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đang kêu gọi các chiến hữu Việt Nam cộng hòa hãy tử thủ Sài Gòn. Nhưng đến trưa 30.4.1975, đồng chí chính trị viên đơn vị thông báo tin vui đến với chúng tôi, qua Radio, Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các ngụy Sài Gòn đã đầu hàng cách mạng. Lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút. Anh em trong đơn vị ôm nhau cùng reo hò đến lạc cả giọng, nhiều người không cầm được nước mắt. Có chiến sỹ hét to lên: Mẹ ơi! Giải phóng miền Nam rồi. Con sẽ về bên mẹ… Tin miền Nam đã giải phóng được lan truyền không chỉ trong bộ đội, tin vui ấy được lan truyền rộng lớn trong các tầng lớp nhân dân cả nước.
Một thời để nhớ… Dù trong chiến tranh hay khi hòa bình, những người lính đã một thời trận mạc đổ máu, hy sinh hay những người lính đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc hôm nay, nhất định sẽ và mãi mãi là lực lượng luôn tiên phong trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam! Anh Hoàng Long Hính chia sẻ.
Nhà văn: ĐẶNG QUANG VƯỢNG
Ý kiến bạn đọc