Họp bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cam Sành
BHG - Ngày 29.3, tại UBND huyện Bắc Quang, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi họp bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cam Sành Hà Giang, niên vụ 2018 – 2019. Dự buổi làm việc có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; Thường trực UBND huyện Bắc Quang, Quang Bình; lãnh đạo các xã, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến cam Sành của huyện Bắc Quang, Quang Bình…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến kết luận buổi làm việc |
Hiện nay, tại 3 huyện trọng điểm về cam Sành của tỉnh, gồm: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình đã tiêu thụ trên 43,5 nghìn tấn, đạt 71,8% sản lượng cam toàn tỉnh. Giá cam bán tại vườn dao động từ 6 – 10 nghìn đồng/kg. Trong đó, đã có 186,641 tấn cam tiêu thụ tại siêu thị VinMart (TP. Hà Nội). Tuy nhiên, chỉ duy nhất huyện Vị Xuyên sản lượng tiêu thụ đạt 100%. Tại huyện Quang Bình, sản lượng cam còn tồn trên 2.000 tấn, tập trung nhiều ở xã Hương Sơn, Yên Hà, Vĩ Thượng… Riêng huyện Bắc Quang, sản lượng cam chưa tiêu thụ lên đến 15.100 tấn, tập trung ở xã Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo, Tiên Kiều…
Tại buổi họp, các đại biểu dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận, xác định nguyên nhân chậm tiêu thụ sản phẩm cam Sành niên vụ 2018 – 2019. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ cam Sành tại các tỉnh phía Nam giảm mạnh. Diện tích, sản lượng cam Sành tăng nhanh, khiến cung vượt cầu; trong khi đó, nhiều người trồng cam có tâm lý chờ giá cao, không cắt bán. Mặt khác, đầu mối đơn vị đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm cam Sành vào hệ thống siêu thị không nhiều, mới chỉ có 5 đơn vị… Từ thực tế này, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cam Sành, như: Tiếp tục kết nối với hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố; mở thêm kênh bán lẻ cam Sành; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm cam Sành; có phương án chế biến sâu sản phẩm cam Sành sau thu hoạch…
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến yêu cầu: Cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành liên quan phải vào cuộc, xác định tiêu thụ sản phẩm cam Sành cho người dân là nhiệm vụ cấp bách tại địa phương. Đồng thời, thay đổi tư duy phát triển kinh tế từ đơn thuần sang tư duy phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị, từ khâu đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, UBND huyện Bắc Quang, Quang Bình chủ trì, chịu trách nhiệm giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm cam còn tồn cho người dân; chỉ đạo các xã rà soát số hộ, sản lượng cam chưa thu hoạch theo hướng người dân tự nguyện ký cam kết nhờ chính quyền để đồng hành tiêu thụ, trừ những hộ tự có khả năng tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở đó, UBND các huyện phối hợp với Sở Công thương tổ chức cho lãnh đạo xã, đại diện hộ trồng cam đi tiếp cận thị trường tiêu thụ để giúp người dân tiêu thụ cam. Mặt khác, chỉ đạo HTX, Hiệp hội cam đăng ký bổ sung tem, nhãn truy suất nguồn gốc sản phẩm gửi Sở Công thương trước ngày 4.4.2019. Đồng thời, rà soát, chỉ đạo các HTX sản xuất cam Sành để đảm bảo đi vào hoạt động thực chất, hiệu quả, là chỗ dựa cho các hộ trồng cam…
Cùng với nội dung trên, đồng chí Nguyễn Minh Tiến giao trách nhiệm cụ thể cho Sở Công thương, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT trong việc đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam Sành; hướng dẫn người dân kỹ thuật thu hái, bảo quản, chăm sóc đối với diện tích cam chưa thu hoạch…
Tin, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc