Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Khai mạc Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất
BHG - Tối ngày 14.1, tại tỉnh Đăk Nông đã tổ chức khai mạc Lễ hội thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất. Đến dự có Đồng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, Đại sứ, Tổng lãnh sự các nước Campuchia, Lào, Indonesia; lãnh đạo các tỉnh và các đoàn có nghệ nhân tham dự. Về phía tỉnh Hà Giang đến dự có lãnh đạo Sở VHTT&DL, đoàn Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các nghệ nhân tham gia diễu hành.
Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: chinhphu.vn |
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất là sáng kiến rất đáng trân trọng nhân kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Nông (1.1.2004 – 1.1.2019). Thủ tướng nhắc lại Nghị quyết số 6, Hội nghị Trung ương 4, Khóa XII và khẳng định: Xây dựng văn hóa trong kinh tế, khai thác hiệu quả khía cạnh kinh tế của văn hóa, nâng cao giá trị văn hóa trong các sản phẩm mang đặc trưng, đặc sắc của mỗi địa phương. Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra một số quan điểm chiến lược trong bảo tồn phát triển văn hóa thổ cẩm ở nước ta. Trước hết, các bộ, ngành, nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cần tích hợp khía cạnh văn hóa trong sản phẩm thổ cẩm gắn với từng vùng miền, từng cộng đồng, vào chiến lược phát triển du lịch. Đặc biệt, là các mô hình văn hóa du lịch cộng đồng, trải nghiệm từ miền núi Tây Bắc, Đông Bắc đến Tây Nguyên…Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi mọi người cùng chung tay để đưa thổ cẩm Việt Nam đến với người dân rộng rãi hơn nữa, tiếp cận du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, đến các nhà thiết kế, sàn diễn thời trang trong nước và nước ngoài, đẩy mạnh hình ảnh thổ cẩm Việt Nam ra thế giới, gửi gắm trong hình ảnh thổ cẩm Việt Nam là sứ giả của 54 dân tộc Việt Nam…
Màn trình diễn thổ cẩm tại lễ hội. Ảnh: chinhphu.vn |
Với chủ đề “Văn hóa thổ cẩm - Tinh hoa hội tụ”, Lễ khai mạc đã quy tụ hơn 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên quần chúng là đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh, thành phố và một số đoàn khách quốc tế tham gia. Các tiết mục đã tái hiện quá trình hình thành, phát triển và ý nghĩa của văn hóa thổ cẩm đối với đời sống của đồng bào các dân tộc, với 3 chương: “Cao nguyên M’nông huyền thoại”, “Dòng chảy hoa văn”, “Văn hóa Đắk Nông thăng hoa cùng sự nghiệp phát triển và đổi mới của đất nước”. Cùng với chiêm nghiệm lại hành trình của thổ cẩm Việt Nam. Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I tại Đắk Nông là dịp để tôn vinh giá trị của thổ cẩm Việt Nam, tri ân công lao của các nghệ nhân qua bao thế hệ đã có công sáng tạo, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm trở thành bản sắc văn hóa đặc trưng của từng dân tộc trên mọi miền tổ quốc.
Văn Bính – Tiến Thành
Ý kiến bạn đọc