Từ nếp nhà tranh làng Đông Phù
BHG - Nếp nhà của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nằm khiêm nhường nơi xóm nhỏ ở làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Nếp nhà ấy đã được cất lên từ cách đây gần một thế kỷ, là mái ấm của nhiều thế hệ trong gia đình. Nơi ấy, cậu bé Nguyễn Duy Cống, sau này mang bí danh hoạt động cách mạng là Đỗ Mười, đã trải qua tuổi thơ nhọc nhằn, sớm giác ngộ và một lòng đi theo Đảng. Trong sớm thu chớm lạnh, ngôi nhà 3 gian nghi ngút hương trầm. Niềm thành kính tiếc thương lặng in trên mỗi gương mặt bà con lối xóm. Dẫu biết “sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật của muôn đời, nhưng sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vẫn để lại trong mỗi người dân của quê hương Đông Mỹ niềm tiếc thương vô hạn.
Anh Nguyễn Duy Yên, người cháu của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, đến giờ vẫn chưa nguôi cảm động khi nhớ lại những câu chuyện về người bác mà anh rất mực kính yêu. Người bác một đời giản dị, thanh bạch. Người bác đã đảm nhận nhiều trọng trách mà Đảng giao phó, chưa một ngày nguôi đau đáu về nước, về dân; ngay cả việc sửa sang cho nếp nhà của mình, bác cũng biết bao trăn trở. Ấy là vào những năm bão gió, ngôi nhà bị tốc mái, xiêu vẹo. Có năm, bố con anh Yên lên gặp bác, đề nghị bác giúp để mua lá gồi lợp lại nhà, bác Đỗ Mười liền bảo: “Chú và cháu về làng ta, nhiều rơm, nhiều rạ lắm, cắt về lợp. Đất nước mình nhiều nơi, nhất là đồng bào miền núi vẫn cơ cực. Các cháu nhỏ quần áo không có mà mặc, giày dép cũng không có mà đi, mình đừng hoang phí”. Nhớ lại những câu chuyện ấy, anh Yên càng thương bác, một đời giản dị, một đời thanh bạch, không bao giờ nghĩ cho riêng mình.
Ngôi nhà năm gian của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười ở thôn 3, xã Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Nguồn VNEXPRESS.NET |
Với nhân dân xã Đông Mỹ, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gần gũi và hòa đồng hết mực. Mỗi lần về quê, lần nào gặp cán bộ xã, ông cũng nhắc nhở anh em quan tâm tới các gia đình chính sách, các gia đình có công với nước. Ông luôn quan tâm hỏi han về đời sống của người dân, xem tỉ lệ hộ nghèo ở Đông Mỹ đã giảm chưa, các cháu thiếu nhi có được học hành đầy đủ không. Ông cũng thường trò chuyện với cán bộ xã Đông Mỹ về lịch sử và truyền thống cách mạng của địa phương. Đông Phù vốn nổi tiếng là đất khoa cử, học vấn. Nhân dân Đông Phù có truyền thống yêu nước sâu đậm từ lâu đời. Tháng 5. 1930, Chi bộ Đảng Đông Phù ra đời, là Chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng ngoại thành Hà Nội. Cũng tại Chi bộ Đảng Đông Phù, năm 1939, ông Đỗ Mười đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Anh Lê Mạnh Chiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, xúc động kể lại kỷ niệm trong những lần được gặp nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ông luôn căn dặn: “ Đảng bộ chính quyền, nhân dân xã Đông Mỹ thường xuyên đoàn kết, học hỏi, xây dựng cái cốt lõi nhất là làm cho cuộc sống của nhân dân được ấm no, tỉ lệ hộ nghèo thường xuyên phải giảm”. Gặp bà con lối xóm, ông thăm hỏi ân cần, căn dặn con cháu, nhắc nhở người dân quê hương phấn đấu học hành, làm ăn phát triển kinh tế sao cho xứng đáng với mảnh đất hai lần Anh hùng. Sự gần gũi, giản dị của ông đã để lại trong lòng nhân dân những ấn tượng thật khó quên.
Hôm nay, rất nhiều bà con lối xóm đã về ngôi nhà nhỏ tự thuở thiếu thời của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười ngóng trông. Anh Nguyễn Thế Nguyên ở thôn 3, xã Đông Mỹ, bày tỏ tình cảm trong niềm tiếc thương và sự đau buồn. Anh vẫn nhớ mỗi dịp mùng 4 Tết, là ngày làng tảo mộ, nhiều năm ông Đỗ Mười về, cũng đi tảo mộ cùng bà con, gần gũi và ấm áp, không có khoảng cách nào giữa một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng với nhân dân. Cựu chiến binh Nguyễn Đức Trường ở Thôn 2, xã Đông Mỹ, cũng nhớ như in lần được gặp nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vào dịp Chi bộ Đông Phù kỷ niệm 85 năm ngày thành lập. Đó là vào năm 2015. Khi ấy, đồng chí Đỗ Mười tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn về dự. Đồng chí vẫn quan tâm đến mọi hoạt động của quê hương, trong đó có việc xây dựng Lực lượng vũ trang từ cơ sở, khiến các Cựu chiến binh như ông Trường cứ rưng rưng cảm động.
Giờ đây, đồng chí Đỗ Mười đã mãi mãi đi xa. Tết đến, Xuân về, mọi người sẽ không được thấy đồng chí về thăm quê, dự hội làng. Cán bộ, nhân dân Đông Mỹ không còn được nghe ông căn dặn. Con đường dẫn vào xóm nhỏ sẽ thiếu đi dấu chân của một người con ưu tú. Thương tiếc nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, cán bộ Đông Mỹ ghi sâu những lời căn dặn của đồng chí. Thực hiện tâm nguyện của đồng chí Đỗ Mười, học tập và làm theo phong cách làm việc quyết đoán, dám nghĩ, dám làm của đồng chí, những mô hình, sáng kiến hay đã được cán bộ Đông Mỹ áp dụng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Điều mà mỗi cán bộ Đông Mỹ rất tâm đắc là, phải xây dựng xã Đông Mỹ bằng việc phát huy nội lực. Đó là nội lực của một vùng quê có bề dày truyền thống. Ngày hôm nay, truyền thống ấy đã trở thành điểm tựa để Đông Mỹ vươn lên.
Về Đông Mỹ hôm nay, thăm lại nếp nhà tranh ở làng Đông Phù, ai cũng cảm động đến nghẹn ngào. Từ nếp nhà tranh đơn sơ, bình dị ấy, người con ưu tú Đỗ Mười đã tham gia cách mạng. Truyền thống quê hương đã hun đúc ở đồng chí Đỗ Mười nhiệt huyết và trách nhiệm lớn lao với Đảng, với đất nước, với nhân dân. Và trong hình bóng của quê hương Đông Mỹ, luôn có hình bóng của ông. Dấu ấn cùng những ân tình sâu nặng của ông luôn in đậm trong mỗi con đường, trường học, mỗi sự đổi thay của quê hương. Rồi đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Mỹ sẽ xiết chặt tay nhau, cùng thực hiện tâm nguyện của đồng chí Đỗ Mười, tiếp tục xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh như đồng chí hằng mong muốn.
Hồng Linh (Trung tâm PTTH Quân đội)
Ý kiến bạn đọc