Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV
BHG - Sáng ngày 26.10, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận tại hội trưởng các vấn đề về kinh tế - xã hội hàng năm và giữa kỳ. Tại phiên thảo luận đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang đã tham gia phát biểu, trong đó đánh giá cao những thành tựu, kết quả đạt được của năm 2018. Nổi bật là các chỉ số tích cực như chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số đổi mới sáng tạo và đặc biệt là Việt Nam đã được đưa vào theo dõi để đưa vào danh sách thị trường mới nổi. Việt Nam cũng là thị trường, điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, được đánh giá là thị trường tăng trưởng nhanh nhất khu vực.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV |
Theo ĐBQH Triệu Tài Vinh: Tại Hội nghị WEF ASEAN mà Việt Nam tổ chức, các tổ chức Quốc tế đánh giá đây là một trong những hội nghị có ý nghĩa nhất trong lịch sử 27 năm tồn tại tổ chức này. Cũng tại hội nghị này các tổ chức Quốc tế đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam chúng ta lại giảm 3 bậc. Cá nhân đại biểu, quan tâm dưới góc độ kiểm soát về quyền lực, làm sao để quyền lực của nhân dân được thực hiện một cách hiệu quả nhất thông qua đội ngũ cán bộ, công chức một cách chuyên nghiệp nhất. Đây thực sự là một vấn đề cần phải đối mặt giải quyết trong thời gian tới. Người đứng đầu bộ là Bộ trưởng, người đứng đầu một lĩnh vực trong một bộ là các Thứ trưởng, đứng đầu tổng cục là Tổng cục trưởng, trong các phòng thì có Trưởng phòng. Vậy, vấn đề quyền lực ở đây theo đại biểu cần phải được kiểm soát chặt chẽ.
Về chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta đã hội nhập ASEAN một cách rất trách nhiệm và có hiệu quả cao. Uy tín của Việt Nam được nâng lên, độ mở của nền kinh tế lớn hơn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều bài học, đó là ý thức trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, đó là ý thức công dân của người dân, đó là chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay còn thấp. Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua nghị quyết về CPTPP. Để hội nhập CPTPP có hiệu quả, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh cho rằng cần phải xây dựng tính kỷ luật lao động. Đối với doanh nghiệp đó là đổi mới sáng tạo, đó là khởi nghiệp. Đối với người dân, nông dân đó là phải dạy nghề. Cần đổi mới dạy nghề và đào tạo nghề phù hợp hơn. Hiện nay nội dung đào tạo nghề, hình thức đào tạo nghề có vấn đề cần phải đổi mới. Đặc biệt dạy nghề trong Chương trình 135, vùng 30a, dạy nghề khu vực nông thôn nói chung. Cho nên chất lượng lao động của chúng ta hiện nay thấp. Dạy nghề không còn là chính sách mà đã trở thành chế độ. Đi học nghề để lấy tiền chứ không phải lấy nghề. Ví dụ, nếu dạy nghề mà vẫn hướng dẫn cách sử dụng một loại giống, cách sử dụng thuốc trừ sâu, thì việc đó hiện nay thừa; vì trên một bao giống, một hộp thuốc bảo vệ thực vật đã có hướng dẫn sử dụng cho cây gì, vụ nào nhưng trong giáo trình chúng ta vẫn dạy người nông dân những thứ đó mà vấn đề hiện nay phải dạy cho người nông dân hiểu tại sao sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học thì đất sẽ bị thoái hóa, môi trường càng bị ảnh hưởng, đó là những vấn đề nông dân cần biết.
Về chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, chúng ta cần đánh giá thực trạng nghèo hiện nay cho đúng hơn, nghèo do thiếu vốn, thiếu khoa học kỹ thuật, thiếu lao động và thiếu sức sản xuất. Nguyên nhân của thiếu đất và thiếu lao động có nhiều nhưng có một nguyên nhân là do tách hộ. Tách hộ ngoài lý do chính đáng là để thúc đẩy sản xuất thì còn có nguyên nhân là trục lợi chính sách. Ông, bà thì có đất nhưng thiếu lao động, con thì có lao động nhưng lại thiếu đất rơi vào hoàn cảnh hai hộ nghèo để thụ hưởng chính sách. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về thực trạng nghèo hiện nay với cách tiếp cần đầy đủ hơn. Về hỗ trợ hộ nghèo hiện nay, chúng ta thường nói cho cần câu hay cho con cá. Thực tế chúng ta đã cho nhiều cần câu rồi, vấn đề hiện nay là có cần câu thì câu ở đâu? Như vậy, chúng ta phải tạo ra những môi trường tốt hơn, đó là những ao để nông dân có thể câu được. Chính vì vậy, cần có chính sách cho làm giàu, hỗ trợ cho những hộ khá, lấy họ làm môi trường thúc đẩy hộ nghèo. Đối với hộ nghèo thì cần chuyển từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có thu hồi, hỗ trợ có trách nhiệm, người thụ hưởng thấy được trách nhiệm của mình trong chính sách hay nói cách khác đó là một số biện pháp được áp dụng trong thực hiện chính sách cho hộ nghèo, người nghèo. Lâu nay chúng ta hỗ trợ cho không người dân quá lâu từ hỗ trợ xóa đói, diệt dốt đến hỗ trợ giảm nghèo và hội nhập. Nó đã trở thành chế độ, tính ỷ lại như một tập quán và đã đến lúc tập quán này phải thay đổi.
Về lao động qua lại biên giới, trao đổi hàng hóa xuyên biên giới với Trung Quốc. Đây là một thực tế, nhu cầu của 2 bên, của người dân biên giới, đề nghị cần tính toán căn cơ hơn làm như thế nào để hợp pháp, để người dân không bị coi là vi phạm pháp luật, để làm ăn giữa 2 bên chuyên nghiệp hơn.
Về công viên địa chất toàn cầu hiện nay đã được công nhận và người Mông ở nơi đây sống trên đá, trồng cỏ trên đá, nuôi bò trên lưng, chết vùi trong đá. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, giúp đỡ thêm. Cùng với đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, giúp đỡ tỉnh Hà Giang về chính sách bảo hiểm, chính sách cho sách giáo khoa.
Thu Hiền
(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang)
Ý kiến bạn đọc