Động lực quan trọng góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương
BHG - Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”; cấp ủy, chính quyền địa phương, cấp ủy quân sự các cấp thường xuyên quán triệt sâu sắc Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 507-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục đổi mới công tác thi đua - khen thưởng (TĐKT) trong Quân đội nhân dân Việt Nam và đã có nhiều chủ trương, biện pháp cụ thể, sát thực.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tặng quà động viên các lực lượng tham gia diễn tập khu vực phòng thủ huyện Quản Bạ gắn với hoạt động của Sở Công thương và Cụm tác chiến Biên phòng Nghĩa Thuận năm 2018 |
Với quan điểm thi đua hướng về cơ sở, công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng ý thức, động lực thi đua cho cán bộ, chiến sĩ luôn được chú trọng. Đồng thời, đã kết hợp tốt giữa các phong trào thi đua (PTTĐ) với các cuộc vận động lớn trong và ngoài quân đội...
Giai đoạn 2013 - 2018, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã phát động, tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả 6 phong trào Thi đua quyết thắng (TĐQT) theo từng chủ đề hàng năm; 26 đợt thi đua cao điểm gắn với PTTĐ yêu nước ở địa phương và đẩy mạnh cải cách hành chính vì Hà Giang phát triển. Bằng những việc làm cụ thể, thông qua các PTTĐ đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, như: Hơn 20 sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu... với nhiều gương sáng tiêu biểu, nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân khu 2, Tỉnh ủy và UBND tỉnh khen thưởng. Các PTTĐ đã thực sự là động lực thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT tỉnh, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho tỉnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên nền tảng thế trận lòng dân; trọng tâm là xây dựng Khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng vững chắc, đi vào chiều sâu.
Để phong trào Thi đua yêu nước của tỉnh nói chung và Thi đua quyết thắng của LLVT tỉnh những năm tiếp theo đạt hiệu quả, thiết thực hơn nữa, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác TĐKT; nhất là Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị; Luật số 39/2013/QH13 của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TĐKT; Thông tư số 160/2014/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết về công tác TĐKT trong Quân đội nhân dân Việt Nam và hướng dẫn của cấp trên về công tác TĐKT; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác TĐKT, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, động cơ thi đua đúng đắn; làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ thực sự tin tưởng, tự giác tham gia bằng việc làm cụ thể hàng ngày, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi một người phải lấy việc xung phong trong phong trào Thi đua ái quốc là nhiệm vụ thiêng liêng của mình, phải cố làm cho được”.
Hai là, tăng cường sự lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền, chỉ huy các cấp đối với công tác TĐKT và phong trào TĐQT. Mỗi cấp ủy, chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở. Chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị và cán bộ các cấp đề cao trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện PTTĐ sát với điều kiện thực tế, gắn với xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Ba là, tập trung đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động phong trào TĐQT. Xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phong phú, phù hợp với thực tế từng cơ quan, đơn vị và nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ. Phối hợp chặt chẽ phong trào TĐQT trong LLVT tỉnh với các cuộc vận động và PTTĐ “Thực hiện Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang”, nhất là Cuộc vận động “Chung sức xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Kết hợp chặt chẽ giữa thi đua thường xuyên với từng đợt thi đua đột kích, tạo sức đột phá vào những nhiệm vụ trọng tâm, việc khó, việc mới, tập trung khắc phục những khâu yếu, mặt yếu trong từng cơ quan, đơn vị.
Bốn là, củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ chuyên trách làm công tác TĐKT ở các cấp bảo đảm nguyên tắc, đúng mục đích, hiệu quả, tạo sự thống nhất, đoàn kết cao để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công tác TĐKT, làm cho công tác này đi vào nề nếp, khoa học.
Năm là, coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, động viên, khen thưởng kịp thời. Phát hiện, bồi dưỡng nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến những kinh nghiệm hay, sáng kiến mới, cách làm sáng tạo để tạo sự lôi cuốn cán bộ, chiến sĩ tự giác tham gia phong trào “đua, đuổi và vượt” điển hình tiên tiến trong từng cơ quan, đơn vị.
Sáu là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để thực hiện tốt công tác TĐKT, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào TĐQT trong toàn LLVT, góp phần xây dựng tỉnh Hà Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh, phát triển.
NGUYỄN VĂN SƠN Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Ý kiến bạn đọc