Tham gia ý kiến đối với Dự thảo Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt
BHG - Sáng 21.9, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Hà Giang phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn phản biện tham gia ý kiến đối với Dự thảo Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt. Các đồng chí: Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Ngân hàng NN& PTNT tỉnh, ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang; Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn, phản biện, chủ trì buổi Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; đại diện Bộ NN&PTNT; các đồng chí nguyên lãnh đạo Sở Nông nghiệp&PTNT; đại điện một số sở, ngành liên quan...
Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại buổi Hội thảo. |
Dự thảo Luật Trồng trọt có 7 chương, 85 điều, quy định về hoạt động trồng trọt, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi thực hiện Luật trong sản xuất trồng trọt, quản lý Nhà nước về trồng trọt. Dự thảo Luật Chăn nuôi gồm 7 chương, 82 điều trên cơ sở kế thừa và phát triển Pháp lệnh về giống vật nuôi năm 2004, Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản, quy định về chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong chăn nuôi, quản lý Nhà nước về chăn nuôi...
Tham gia ý kiến vào 2 Dự thảo Luật các đại biểu đồng tình với việc Quốc hội sẽ ban hành 2 Luật, điều này rất cần thiết nhằm xác lập khung pháp lý cho lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Sau một số lần chỉnh sửa Dự thảo 2 Luật đã cơ bản hoàn thiện và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai. Tuy nhiên để 2 Dự thảo Luật đi vào cuộc sống, các đại biểu đề nghị: Quốc hội nên xem xét việc mỗi một cây trồng có một quy trình trồng trọt chung sẽ gây khó khăn cho quá trình tổ chức bởi các tiểu vùng khác nhau sẽ có quy trình trồng trọt khác nhau. Theo Dự thảo Luật Trồng trọt việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất bằng nguồn Ngân sách Nhà nước đầu tư chỉ thực hiện ở những nơi có hạ tầng đồng bộ thì các vùng miền núi có hạ tầng manh mún, phân tán sẽ khó tiếp cận. Một số lĩnh vực sản xuất và kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động trồng trọt chưa được đề cập một cách đúng mức. Việc cấm khai thác đất trồng lúa để phục vụ mục đích phi nông nghiệp là khó thực hiện bởi trong thực tế tại nhiều nơi vẫn phải sử dụng đất trồng lúa để xây dựng các công trình phục vụ phát triển KT - XH. Đối với Dự thảo Luật Chăn nuôi chưa đề cập cụ thể đối với hoạt động thú ý, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Luật cần có quy định một số vấn đề thực tiễn đối với các mô hình chăn nuôi gia súc đặc thù ở vùng miền núi, bổ sung thêm thiết chế Luật quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm, không tuân thủ Luật định trong hoạt động chăn nuôi. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng không đề cập đến vấn đề liên kết trong chăn nuôi, đặc biệt là trong các chuỗi giá trị nông sản... Một số đại biểu cũng đề nghị văn phong trong 2 Dự thảo Luật cần phải thông dụng, dễ hiểu, rõ ràng, hạn chế sự suy diễn dẫn đến sai khác trong quá trình thực hiện.
Tại hội thảo, thay mặt Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang, ĐBQH Nguyễn Ngọc Hải trân trọng tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Trên cơ sở đó, Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang sẽ tổng hợp và gửi tới văn phòng ĐBQH, đồng thời tiếp tục đóng góp ý kiến tại các phiên thảo luận của Quốc hội để 2 Dự thảo Luật được hoàn chỉnh và phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Tin, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc