Kết quả nổi bật sau 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh
BHG - Nửa nhiệm kỳ qua, vượt lên những khó khăn như nguồn lực đầu tư hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn yếu kém dẫn đến thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn; trình độ dân trí thấp, không đồng đều; khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân...; tuy nhiên, với truyền thống đoàn kết, tinh thần vượt khó đi lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tốt nội lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI đề ra. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có những quan điểm, cách làm mới, đề ra một số chính sách, biện pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cùng đại diện đơn vị quản lý, thi công và lãnh đạo thành phố Hà Giang cắt băng thông xe kỹ thuật công trình cầu Yên Biên (thành phố Hà Giang) ngày 13.2.2018. Ảnh: Tư Liệu |
Nét nổi bật chính là hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được xây dựng và củng cố ngày một vững mạnh, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nhất là Đảng bộ vùng nông thôn được nâng lên rõ rệt. Phương thức lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt và sâu sát cơ sở hơn, với những chủ trương, cách làm sáng tạo, hiệu quả, như: Việc đánh giá tính quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; các cấp, ngành thực hiện “nói đi đôi với làm”; việc thực hiện Bộ công cụ đánh giá cán bộ, đảng viên thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII); việc phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách, giám sát đến Đảng ủy cấp xã và cấp ủy các sở, ban, ngành tỉnh gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, các cấp, ngành, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cùng với đẩy mạnh phát huy dân chủ trong Đảng, trong xã hội...
Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện hiệu quả “2 khâu đột phá” và “5 chương trình trọng tâm”. Xác định đột phá về nâng cao chất lượng công vụ, xây dựng chính sách, vận dụng cơ chế, đưa chính sách vào cuộc sống cho phát triển nhanh và bền vững, Hà Giang đã tập trung lãnh đạo hoàn thành xây dựng Đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Sáp nhập và từng bước thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện thu gọn đầu mối nội bộ một số cơ quan, đơn vị để giảm bớt khâu trung gian; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tạo sự đột phá về cải cách hành chính: Ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính; thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh và 5 huyện, thành phố; xây dựng khung Chính quyền điện tử; thực hiện giao nhiệm vụ đối với các cơ quan hành chính theo cơ chế “Mỗi việc một cơ quan chủ trì, một người phụ trách, một thời gian hoàn thành và một kết quả nhất định”; chuyển mạnh từ “tiền kiểm sang hậu kiểm” đối với việc hoàn thiện thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư; đổi mới công tác đi cơ sở, tăng cường cơ chế làm việc nhóm… Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh tăng 32 bậc, từ vị trí 57/63 tỉnh, thành phố năm 2015 lên vị trí 25/63 tỉnh, thành phố năm 2017.
Là một tỉnh vùng cao còn nhiều khó khăn, Hà Giang xác định đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng chủ động triển khai hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu... để nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, huy động các nguồn vốn cho khoa học, công nghệ. Đặc biệt, với sự đóng góp của các nhà khoa học đầu ngành đã tư vấn giúp tỉnh ban hành Bộ tiêu chí thoát nghèo bền vững, nghiên cứu xây dựng Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về thực hiện tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2030. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ đã tập trung vào giải quyết những vấn đề cấp thiết, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở phục vụ công tác cải cách hành chính và giải quyết các “nút thắt” trong phát triển kinh tế - xã hội: Đưa vào sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành điện tử (VNPTIOffice) đến 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã; mở rộng hệ thống giao ban điện tử liên thông từ tỉnh tới huyện và 191/195 điểm cầu cấp xã.
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh cùng các đại biểu bấm nút khai trương hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến đến các xã, thị trấn và khai trương Chuyên mục Tiếp xúc cử tri trên Trang thông tin điện tử của huyện Hoàng Su Phì, ngày 4.4.2017. Ảnh: Tư liệu |
Cùng với 2 đột phá, việc triển khai hiệu quả 5 chương trình trọng tâm cũng đã tạo sức bật cho các lĩnh vực chủ đạo của tỉnh. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn tổ chức lại sản xuất cho người dân và cơ cấu lại các nguồn vốn đầu tư, chuyển sản xuất từ bề rộng sang chiều sâu, lấy giá trị gia tăng làm đích để tổ chức thực hiện. Kết quả, sản xuất lương thực tiếp tục phát triển vững chắc, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được nhãn hiệu và thị trường tiêu thụ. Hiện nay, diện tích cam Sành cả tỉnh là 8.306 ha, trong đó cho thu hoạch 3.364,9 ha, sản lượng thu trên 40.000 tấn; diện tích chè 20.626,3 ha, cho sản phẩm đạt 18.231,8 ha, sản lượng 67.532,5 tấn; đàn ong 43.171 tổ/năm, sản lượng mật thu được trên 237,3 tấn… Chăn nuôi được chuyển dịch theo hướng tập trung quy mô trang trại, gia trại, đưa tổng đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh... Chương trình Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được triển khai đồng bộ với đẩy mạnh thực hiện Chương trình Nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, đời sống người dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người/tháng ở khu vực nông thôn năm 2017 là 13,5 triệu đồng, gấp 1,62 lần so năm 2012.
Với điều kiện về địa lý, thời tiết, từ lâu Hà Giang được đánh giá là vùng đất có tiềm năng phát triển dược liệu của nước ta. Vì vậy, Chương trình phát triển dược liệu gắn xóa đói, giảm nghèo đã mở ra hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế. Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển dược liệu gắn xóa đói, giảm nghèo các huyện 30a; ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu; hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp khoa học công nghệ đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu về giống dược liệu. Kết quả, đã nghiên cứu và sản xuất được 11 giống dược liệu và đang triển khai nghiên cứu 20 giống dược liệu cung cấp nguồn giống trên địa bàn. Chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất dược liệu, nhất là trồng dược liệu dưới tán rừng phòng hộ gắn với chính sách để thực hiện. Bước đầu hình thành mối liên kết trong phát triển sản xuất dược liệu giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với các thành phần kinh tế khác.
Một buổi LĐCS xây dựng Nông thôn mới ở thôn Thanh Tân, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang. Ảnh: Tư liệu |
Chương trình phát triển du lịch gắn phát triển bền vững được chỉ đạo đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm theo hướng bền vững, trên cơ sở phát huy giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống, danh lam thắng cảnh gắn sưu tầm, phục dựng các lễ hội văn hóa dân tộc trở thành sản phẩm phục vụ du lịch, bằng cách làm cụ thể như tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, hợp tác du lịch liên vùng, trong nước và quốc tế, từng bước xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Khu du lịch trọng điểm Quốc gia. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, thu hút ngày càng đông du khách đến với Hà Giang.
Chương trình phát triển kinh tế biên mậu gắn đảm bảo quốc phòng - an ninh đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động thương mại biên giới với Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Cửa khẩu song phương Xín Mần (Việt Nam) - Đô Long (Trung Quốc); chủ động tổ chức, tham gia các hội nghị, hội chợ nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại biên giới; duy trì cơ chế hội đàm định kỳ, trao đổi thông tin về các hoạt động thương mại biên giới tỉnh Hà Giang với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, ban hành các đề án, chương trình, chính sách thu hút đầu tư vào khu vực kinh tế biên mậu; thực hiện tốt công tác phối hợp với lực lượng chức năng phía Trung Quốc trong lưu thông biên giới, giữ gìn trật tự trị an, đấu tranh chống các hoạt động buôn lậu qua biên giới.
Đoàn đại biểu tỉnh ta chứng kiến nghi lễ thượng cờ tại Lễ công bố mở chính thức cặp Cửa khẩu song phương Xín Mần (Việt Nam) – Đô Long (Trung Quốc). Ảnh: Tư liệu |
Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn giải quyết việc làm đã tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp tạo việc làm tại chỗ và đưa lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong nước, nâng cao thu nhập cho người lao động. Chủ động phối hợp với phía Trung Quốc thực hiện các thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới. Sắp xếp lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, gắn dạy nghề với giải quyết việc làm; đã đào tạo được 28.700 người, giải quyết việc làm mới cho 44.449 lao động, đưa đi làm việc ở nước ngoài 1.233 lao động, đi làm việc ngoài tỉnh 13.231 lao động.
Có thể khẳng định, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, Hà Giang đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực trong nửa đầu nhiệm kỳ qua. Đến nay, đã có 20/48 chỉ tiêu đạt và vượt so Nghị quyết (chiếm 41,7% tổng số chỉ tiêu). Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 7,4%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tập trung khai thác hợp lý, hiệu quả tiềm năng, thế mạnh phát triển lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, dược liệu, kinh tế biên mậu, nhất là lĩnh vực du lịch có nhiều khởi sắc. Cùng đó, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ dân trí được nâng lên; giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được khơi dậy và phát huy; công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới Quốc gia được giữ vững; biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không xảy ra bị động, bất ngờ. Quan hệ đối ngoại và hợp tác Quốc tế được mở rộng, thực chất và hiệu quả hơn. Khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của các cấp chính quyền tiếp tục được nâng lên.
Những kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua chính là nền tảng quan trọng để tỉnh ta tiếp tục hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đề ra. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tình hình đất nước cũng như của tỉnh có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa. Do đó, Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu, đó là: Tập trung lãnh đạo thực hiện hiệu quả các nghị quyết chuyên đề, các chương trình, đề án cụ thể. Trọng tâm là tập trung tháo gỡ những “nút thắt” của tỉnh mà Đại học Fulbright đã tư vấn, chỉ ra; triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết về Tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang đến năm 2030, “2 khâu đột phá” và “5 chương trình trọng tâm”; đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu, cây dược liệu, du lịch, chương trình nửa triệu con đại gia súc... Xây dựng, củng cố, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đủ bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn phát triển mới của tỉnh, của đất nước.
HÙNG HIỀN
Ý kiến bạn đọc