Hoàng Su Phì phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
BHG - Là huyện vùng cao núi đất phía Tây của tỉnh, với độ cao trung bình trên 800 mét so với mực nước biển, Hoàng Su Phì có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và một kho tàng văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, vì vậy đây được đánh giá là vùng đất có tiềm năng lớn về Du lịch. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, qua đó góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Di tích Quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đang mùa lúa chín là một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch. Ảnh: Chu Việt Bắc (Hoàng Su Phì) |
Hoàng Su Phì hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp nguyên sơ của cảnh quan thiên nhiên với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn đã được công nhận Di tích cấp quốc gia. Hình ảnh thảm lúa chín vàng trải dài đến tận chân trời hay những thửa ruộng bậc thang vào vụ cấy loang loáng nước, người nông dân miệt mài với những đường cày hòa trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng… cũng đủ làm say lòng du khách gần xa.
Đến Hoàng Su Phì, du khách còn háo hức với hành trình vượt nắng gió chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi, nằm ở độ cao 2.402 m so với mực nước biển, là một trong những ngọn núi cao thuộc dải Tây Côn Lĩnh. Ngoài khung cảnh núi non trùng điệp, biển mây bồng bềnh, nơi đây còn có khu rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi với một quần thể động, thực vật phong phú rất phù hợp các loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá.
Bên cạnh nét đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, Hoàng Su Phì còn ẩn chứa trong mình một kho tàng văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số như Dao, Mông, Nùng, Cờ Lao, La Chí… Mỗi dân tộc lại mang một bản sắc riêng trong đời sống sinh hoạt thường ngày, đặc biệt là trong các Lễ hội văn hóa truyền thống. Nếu người Nùng có Lễ cúng rừng, người Dao có lễ Cấp sắc thì người La Chí có tết Khu cù tê, người Mông có lễ hội Gầu Tào, người Cờ Lao có lễ cúng Hoàng Văn Thùng… Tất cả đã tạo nên một kho tàng văn hóa độc đáo có sức hút rất riêng với du khách gần xa.
Thế mạnh để phát triển Du lịch ở Hoàng Su Phì là điều dễ nhận thấy, tuy nhiên những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Các sản phẩm phục vụ du lịch trên địa bàn huyện hiện nay còn khá đơn điệu. Hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ cho du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Việc gắn kết giữa văn hóa và du lịch chưa thật sự rõ nét. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân cũng như một số cấp ủy, chính quyền cơ sở về phát triển du lịch còn hạn chế. Đội ngũ quản lý về lĩnh vực du lịch còn thiếu và yếu; người dân thiếu kinh nghiệm làm du lịch…
Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện, Nguyễn Việt Tuân cho biết: Thực hiện Chương trình số 29 của BTV Tỉnh ủy về phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND huyện Hoàng Su Phì đã ban hành Quyết định số 49 về Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch huyện Hoàng Su Phì đến năm 2021, định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần vào tăng trưởng KT - XH và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm và thu nhập cho nhân dân, huyện đã đưa ra nhiều định hướng về phát triển thị trường, sản phẩm du lịch, tạo hệ thống khu, điểm du lịch và tuyến du lịch.
Cụ thể, với định hướng phát triển thị trường khách du lịch, huyện xác định thị trường trọng điểm là khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Bắc, khách quốc tế gồm Châu Âu, Châu Úc và Bắc Mỹ. Định hướng sản phẩm du lịch gồm 6 nhóm: Du lịch nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái; du lịch thể thao, giải trí mạo hiểm; du lịch khám phá, trải nghiệm văn hóa cộng đồng; du lịch thương mại, vui chơi giải trí và du lịch lễ hội, tâm linh. Không gian du lịch cũng được huyện định hướng tổ chức thành các cụm: Cụm trung tâm thị trấn Vinh Quang; cụm sinh thái mạo hiểm dãy Tây Côn Lĩnh, cụm sinh thái nông nghiệp vùng hạ huyện và cụm biên cương vùng thượng huyện.
Với các giải pháp đồng bộ và hữu hiệu, tin rằng huyện Hoàng Su Phì sẽ đạt được mục tiêu phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với doanh thu đạt khoảng 260 tỷ đồng vào năm 2021 và khoảng 1.000 tỷ vào năm 2030. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, XĐGN cho người dân, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc