Đoàn công tác Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam làm việc với Ủy ban MTTQ tỉnh
BHG - Sáng 7.9, tại Hội trường Ủy ban MTTQ tỉnh, Đoàn công tác Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam do đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ủy ban MTTTQ tỉnh nhằm kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 01/KL-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam "Về đổi mới nội dung phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc". Dự buổi làm việc có đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang; Ly Mí Lử, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng Tỉnh ủy, huyện Xín Mần; một số sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh...
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh phát biểu tại buổi làm việc. |
Sau 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 01, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Tổ chức 4.565 buổi tuyên truyền, nội dung Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh"; " Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" đến các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, vận động đồng bào hiến trên 10 nghìn m2 đất làm các công trình phúc lợi, MTTQ các cấp hỗ trợ làm mới 350 ngôi nhà Đại đoàn kết, duy trì và xây dựng mới trên 2 nghìn mô hình tự quản, 100% khu dân cư đều thực hiện Hương ước, Quy ước. Nhiều phong trào thi đua yêu nước được triển khai hiệu quả, góp phần hỗ trợ giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 38,75% năm 2016 xuống còn 34,18% năm 2017... Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cho các xã biên giới về Quy chế khu vực biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc của T.Ư như: Chương trình 30a, Chương trình 135, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tại buổi làm việc, các đại biểu đã kiến nghị với Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác mặt trận, đoàn thể; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số để nhân dân yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống; quan tâm đến chính sách cho phụ nữ, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số...
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Tỉnh đã có cách tiếp cận riêng so với các địa phương khác trong triển khai công tác dân tộc. Cụ thể, tỉnh thành lập Trung tâm Sản xuất chương trình Phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc, trực thuộc Đài PT - TH tỉnh và thành lập Tổ tư vấn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quản lý. Duy trì tốt hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian ở tất cả các huyện. Thực hiện xây dựng Đề án bảo tồn văn hóa dân tộc Mông và Đề án "Đưa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào trường học"; tiến hành khảo sát, phục dựng lại tất cả các Lễ hội của dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Về phát triển kinh tế, tỉnh cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; tập trung thực hiện Nghị quyết 18 và 19, Hội nghị T.Ư 6, T.Ư 7 (khóa XII) về tổ chức bộ máy... Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đánh giá đầy đủ "Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020" của Chính phủ; đầu tư vào vùng dân tộc nên có các tiêu chí rõ hơn giữa vấn đề an sinh và phát triển; cần nghiên cứu các tiêu chí, tiêu chuẩn, cách phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển vào vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc. |
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đã đạt được, đặc biệt là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện công tác dân tộc. Nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí đề nghị: Tỉnh tiếp tục bám sát các nội dung của Kết luận 01 để triển khai hiệu quả tại địa phương; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quan tâm và đảm bảo chế độ, chính sách cho người có uy tín, phát huy tối đa vai trò "cầu nối" giữa chính quyền địa phương với nhân dân và các cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, mong muốn các cấp, các ngành của tỉnh phối hợp tốt trong công tác đối ngoại nhân dân, tích cực đổi mới công tác giám sát, phản biện xã hội; tăng cường củng cố, kiện toàn Hội đồng tư vấn để khi tham gia phản biện đảm bảo chất lượng và chính xác...
Đoàn công tác tiếp thu các kiến nghị của tỉnh và tổng hợp gửi đến các cơ quan chức năng của T.Ư trong thời gian tới.
Tin, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc