Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm
BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra 5 chương trình trọng tâm, trong đó xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm. Mục tiêu phấn đấu sẽ nâng tỷ lệ lao động (LĐ) qua đào tạo đạt 55%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 45% vào năm 2020; nâng tỷ lệ LĐ có việc làm sau học nghề tối thiểu đạt 80%. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện, có giải pháp linh hoạt cùng các cấp, ngành cụ thể hóa nghị quyết theo từng năm.
Sinh viên học nghề sửa chữa ô-tô tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang. |
Đồng chí Sùng Đại Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LĐ - TBXH tỉnh, cho biết: Để cụ thể hóa mục tiêu nghị quyết đề ra, đầu năm 2016, tỉnh đã rà soát mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tiến hành sáp nhập các Trung tâm dạy nghề với Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) các huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX; thống nhất việc sáp nhập Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hà Giang với Trường Cao đẳng nghề và đổi tên thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang; nâng cấp Trung tâm dạy nghề huyện Bắc Quang thành Trường Trung cấp nghề Dân tộc Nội trú Bắc Quang; thành lập thêm Khoa Nội trú của Trường Cao đẳng Kỹ thuật và công nghệ Hà Giang, qua đó tạo sự thống nhất, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo. Thực hiện liên kết tuyển sinh, đào tạo với một số Trường Cao đẳng ngoài tỉnh như Than Khoáng sản Việt Nam, Nông - lâm Phú Thọ, Nông lâm Đông Bắc Lạng Sơn, Cao đẳng Y tế Hà Nam; ký thỏa thuận với Công ty Cổ phần phụ trợ Việt - Nhật xây dựng chương trình đào tạo trình độ cao đẳng công nghệ ô-tô và thú y. Thành lập các đoàn công tác đi tỉnh bạn tăng cường sự phối hợp, ký thỏa thuận đưa LĐ đi làm việc ngoài tỉnh.
Tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp làm tốt công tác dự báo nhu cầu sử dụng LĐ trên địa bàn, từ đó định hướng việc làm cho người dân. Hàng năm, các huyện, thành phố chủ động có kế hoạch và tổ chức điều tra, khảo sát lực lượng LĐ được đào tạo nghề hoặc chưa qua đào tạo nghề, nhất là đối với các xã điểm xây dựng Nông thôn mới của tỉnh để phân loại, đánh giá nhu cầu học nghề và tiến hành mở lớp đào tạo. Hệ thống các trường dạy nghề của tỉnh đã chủ động xây dựng mới, chỉnh sửa chương trình, giáo trình các nghề thống nhất trên địa bàn tỉnh theo chủ trương tăng thời gian thực học; mời các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người LĐ có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề. Cử giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề, cập nhật công nghệ mới cho đội ngũ cán bộ giáo viên. Đồng thời, tỉnh có cơ chế, áp dụng chính sách linh hoạt nhằm khuyến khích, động viên các nhóm đối tượng tham gia học nghề. Cụ thể: Với những học sinh, sinh viên thuộc đối tượng hưởng chính sách nội trú, được miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập, lệ phí tuyển sinh, được cấp học bổng khuyến khích học tập theo quy định hiện hành. Hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng đối với người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số với định mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học, hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.
Với các giải pháp triển khai đồng bộ thông qua những cơ chế, chính sách mới linh hoạt đã tạo thêm động lực, là “cú hích” để chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm của tỉnh đi vào thực chất. Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình, đến năm 2018, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 33.000 LĐ, đạt 41,3% mục tiêu nghị quyết, tăng 3,3% so với năm 2015. Trong đó, LĐ đi xuất khẩu LĐ và đi làm việc ngoài tỉnh 8.854 người. Đào tạo nghề cho 22.525 người; chất lượng LĐ ngày một được nâng lên, tỷ lệ LĐ qua đào tạo từ 46% cuối năm 2015 nâng lên 49,5% đầu năm 2018, trong đó LĐ qua đào tạo nghề tăng từ 37,1% năm 2015 lên 40% đầu năm 2018. Cơ cấu LĐ chuyển dịch theo hướng tích cực; đa số LĐ có việc làm ổn định, với mức thu nhập bình quân từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng, tùy vào từng vị trí việc làm. Đây là tín hiệu vui, thành quả bước đầu sau những nỗ lực cố gắng của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách học nghề đến các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Sở LĐ - TBXH, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình trọng tâm “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm” còn có những khó khăn như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề được đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ, một số nơi bị xuống cấp. Đội ngũ cán bộ quản lý thường xuyên luân chuyển, giáo viên cơ hữu thiếu về số lượng, cơ cấu ngành nghề chưa phù hợp; chưa có sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Ngoài ra, công tác khảo sát nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng LĐ chưa được thực hiện đồng bộ nên một số cơ sở đào tạo nghề khi mở các lớp dạy nghề chưa gắn với nhu cầu thực tế của địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dẫn đến tình trạng ở một số ngành, nghề học viên học xong không có việc làm hoặc làm không đúng nghề đào tạo...
Những hạn chế, khó khăn trên đòi hỏi các cấp, ngành liên quan của tỉnh nhìn nhận, đánh giá đúng, qua đó có giải pháp khắc phục với quyết tâm cao nhất đưa công tác dạy nghề, giải quyết việc làm ngày một đi vào chiều sâu, thực chất hơn trong thời gian tới.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc