Thảo luận toàn thể tại hội trường về Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi)
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 14/6, Quốc hội tiến hành thảo luận về Dự án Luật Công an nhân dân(sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung thảo luận.
Nghiên cứu kỹ về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan
Quan tâm đến Điều 26 về quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan công an nhân dân, đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh tỉnh Khánh Hoà cho rằng, phong hàm cấp tướng trong lực lượng công an nhân dân là một vấn đề rất quan trọng và cần thiết, phức tạp. Để ghi nhận những đóng góp của những người có vị trí quan trọng này trong thi hành công vụ nhưng Ban soạn thảo cần lưu ý tới dư luận của nhân dân trong thời gian vừa qua đối với việc phong hàm cấp tướng của công an nhân dân. Có thể phong hàm cấp tướng theo quy định của pháp luật. Trong thời gian vừa qua nhiều cử tri và nhân dân thấy phong hàm hơi nhiều trong điều kiện nước ta không có chiến tranh, không có tình hình gì quá đặc biệt và kinh - xã hội chúng ta cũng rất khó khăn. Do đó, đại biểu kiến nghị phong hàm cấp tướng nên quán triệt tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cùng cho ý kiến về nội dung này đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo tỉnh Bắc Ninh chỉ ra rằng, tại khoản 1 Điều 26 của dự thảo luật quy định về cấp bậc hàm cao nhất trung tướng đối với chức vụ Cục trưởng Cục đặc biệt, trần cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đối với các cục còn lại và tương đương. Mục đ khoản 1 Điều 26 quy định về trần cấp bậc hàm thiếu tướng đối với giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1. Đồng tình với quy định như dự thảo Luật, đại biểu phân tích thêm, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chức năng tham mưu với Bộ trưởng, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, đồng thời trực tiếp đấu tranh phòng, chống âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch. Thống nhất chủ trì và thực hiện thống nhất quản lý về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Đại biểu phân tích rõ, Công an cấp tỉnh là cơ quan thuộc lực lượng vũ trang, vừa là cơ quan hành pháp, quản lý nhà nước, vừa là cơ quan tư pháp, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam, có lĩnh vực quản lý rộng, nhiệm vụ liên quan đến hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Giám đốc công an tỉnh được xác định có nhiệm vụ cơ bản, quan trọng trong hệ thống chức vụ, sỹ quan công an nhân dân là cấp dưới liền kề có thể quy hoạch bổ nhiệm chức danh thứ trưởng. Mặt khác, nếu chức danh trong công tác luân chuyển, điều này cũng tạo sự chủ động cho Bộ Công an trong vấn đề điều chuyển, luân chuyển các cán bộ cấp cục có bậc hàm thiếu tướng làm giám đốc tại các địa bàn quan trọng, trọng điểm, cần phải có những đồng chí có kinh nghiệm để thực hiện tốt các nhiệm vụ. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định liên quan đến vấn đề này để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống luật và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tán thành chuẩn hóa công an xã, phường, thị trấn trong hệ thống công an nhân dân
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng tỉnh Vĩnh Long tán thành với quy định tại Điều 18 về công an xã trong hệ thống công an nhân dân. Đại biểu cho rằng đây không chỉ là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về xây dựng công an xã, thị trấn chính quy; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân đối với 2/3 dân số ở cấp cơ sở mà đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của việc đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự tại một khu vực địa bàn trọng điểm là một nước nông nghiệp nên khu vực nông thôn nước ta còn chiếm tỷ trọng lớn với hơn 89% diện tích, 70% dân số sinh sống, địa bàn trải rộng đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội cần đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhưng địa bàn quan trọng này hiện nay do lực lượng công an xã đảm nhiệm. Đại biểu phân tích, hoạt động của lực lượng công an xã được điều chỉnh bởi Pháp lệnh Công an xã là một văn bản có tính pháp lý không cao do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành từ tháng 11/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009. Theo đó địa vị pháp lý của công an xã chưa được quy định thống nhất, vừa trực thuộc hệ thống, tổ chức của công an nhân dân nhưng lại là lực lượng vũ trang bán chuyên trách. Với việc xác định tính chất như vậy nên lực lượng công an xã thiếu về số lượng không được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ kịp thời, không được trang bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ đầy đủ. Việc giải quyết chế độ chính sách cho lực lượng công an xã còn nhiều bất cập. Tuy vậy, đây là một chủ trương lớn liên quan đến một số lượng lớn cán bộ, chiến sỹ công an, sắp xếp tổ chức bộ máy và không chỉ là con người. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung những nguyên tắc, lộ trình cơ bản để thực hiện chủ trương này, trong đó chú ý tới việc đầu tư xây dựng lực lượng công an xã chính quy nhiều mặt như về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ chính sách v.v... để làm căn cứ giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Đồng thời, nghiên cứu xác định lộ trình để sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương để đảm bảo sự đồng bộ giữa hai luật này.
Cũng quan tâm về hệ thống tổ chức của công an nhân dân quy định tại Điều 18, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc tỉnh Hưng Yên đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng như giải trình của Bộ Công an với quy định về lực lượng công an xã. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ sự băn khoăn, theo Luật Công an nhân dân năm 2014 thì công an xã là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cũng như bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở. Theo đó, Chính phủ, Bộ Công an đã đầu tư nhiều kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất để mở các lớp đào tạo hệ trung cấp công an cho lực lượng công an xã mà chủ yếu là các đồng chí trưởng, phó công an xã, nay theo chủ trương mới Bộ Công an sẽ đưa công an chính quy về làm trưởng, phó công an xã và đề xuất của Chính phủ chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ công chức đang làm trưởng công an xã, thị trấn. Vấn đề này sẽ gây lãng phí lực lượng đã được đào tạo nghiệp vụ bài bản, gây tâm lý không tốt cho những đồng chí công an đã đương chức, đang đương chức cả về công việc mới cũng như chính sách đãi ngộ.
Cũng theo đại biểu phân tích, với những công an chính quy về làm trưởng, phó công an xã khi bổ nhiệm về thì sẽ gặp phải những khó khăn. Nếu như địa phương xảy ra cục bộ, trưởng, phó công an xã khó được bầu ngay vào cấp ủy và Hội đồng nhân dân ở địa phương, điều này sẽ gây khó khăn cho công tác chỉ đạo phối hợp giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội của trưởng, phó công an xã. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo và Chính phủ cần xem xét kỹ hơn vừa cần thực hiện từng bước có lộ trình, trước hết thực hiện với những nơi có tình hình diễn biến phức tạp và cần thiết trước.
quochoi.vn
Ý kiến bạn đọc