Thảo luận các đề án về công tác cán bộ và chính sách tiền lương
Trong ngày làm việc thứ hai, sáng 8-5, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành T.Ư khóa XII họp tại Hội trường để thảo luận, cho ý kiến về Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Bộ Chính trị, điều hành phiên họp.
Bám sát gợi ý của đồng chí Tổng Bí thư trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị và từ thực tiễn các địa phương, bộ, ngành, hầu hết các đại biểu đồng tình, đánh giá cao việc chuẩn bị đề án công phu, nghiêm túc, khoa học, vừa kế thừa, vừa có tính đổi mới, có nhiều giải pháp đột phá.
Qua thực tiễn càng cho thấy việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đóng vai trò vô cùng quan trọng. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác cán bộ có nhiều đổi mới, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên, nhưng cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Trước đòi hỏi của công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, việc ban hành một nghị quyết chuyên đề về vấn đề này là cần thiết và cấp bách.
Nhiều đại biểu cho rằng, Đề án đã đánh giá thẳng thắn, đúng thực trạng công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ hiện nay; chỉ rõ những yếu kém, nguyên nhân của yếu kém. Song, cần đánh giá sâu thêm tính cục bộ địa phương, vì tình trạng này nhiều khi chi phối việc đánh giá cán bộ. Hầu hết các đại biểu băn khoăn một số chỉ tiêu, yêu cầu của nghị quyết đề ra chưa đạt được, như tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Để có đội ngũ cán bộ này bảo đảm cơ cấu, cần có chính sách cụ thể từ quy hoạch, đào tạo đến bố trí sử dụng, nhất là trong bổ nhiệm nên có sự so sánh cán bộ cùng điều kiện với nhau, nữ với nữ, trẻ với trẻ.
Chủ trương bố trí bí thư cấp ủy và một số chức danh khác không phải người địa phương là đúng đắn, như thế sẽ góp phần khắc phục tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân, tránh được những vướng mắc quan hệ họ hàng thân quen trong giải quyết công việc. Có thể nghiên cứu thêm chức danh chủ tịch UBND cũng không phải người địa phương và có thể thực hiện ngay từ nay. Tuy nhiên, khi thực hiện cần chú ý đến đặc thù của địa phương, như nơi có số đông đồng bào dân tộc thiểu số, thì không nhất thiết người đứng đầu phải là người địa phương khác, khi cán bộ tại chỗ đang làm tốt và có uy tín.
Có ý kiến đề nghị nên lựa chọn đúng nội dung trọng tâm và khâu đột phá trong công tác cán bộ, nhất là đổi mới đánh giá cán bộ, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, loại bỏ ban phát, cánh hẩu; cải cách tiền lương, nhà ở,...
Trao đổi, thảo luận về những vấn đề đồng chí Tổng Bí thư đặt ra, tại sao 20 năm qua, nhất là những năm gần đây, mặc dù Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, nhưng trong thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp, nhiều đại biểu khẳng định là do khâu tổ chức triển khai thực hiện yếu. Có những nội dung nghị quyết đề ra chậm được cụ thể hóa, thể chế hóa để thực hiện; việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ chưa nghiêm, vì thế có những yếu kém kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, như việc nhân dân tham gia xây dựng Đảng, giám sát công tác cán bộ, không được thể chế hóa, cho nên việc tổ chức thực hiện rất hình thức. Chế độ chính sách cán bộ có điểm chưa hợp lý cho nên ít có cán bộ chuyên gia đầu ngành giỏi. Đề án lần này trong điều kiện hội nhập cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên gia đầu ngành.
Việc phân cấp, phân quyền trong công tác cán bộ còn có nội dung chồng chéo, chưa đồng bộ, cho nên khi có vấn đề thì không quy trách nhiệm được cho ai. Nên chăng cần thống nhất quan điểm một việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ chưa thật tốt. Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, việc xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay phải đặt trong bối cảnh, điều kiện ấy.
Vấn đề đánh giá cán bộ, nhiều ý kiến nhấn mạnh vẫn là khâu yếu; đề nghị trong đổi mới đánh giá cán bộ phải tạo được động lực cho cán bộ phấn đấu. Gốc để sinh ra cán bộ là việc, việc khó mới sinh ra cán bộ giỏi. Gốc của đánh giá cán bộ là giao việc, giao nhiệm vụ thì phải thách thức; giao việc khó là để tìm ra cán bộ giỏi; việc càng khó càng thách thức càng có cơ hội tìm ra người tài, giỏi, chấp nhận thất bại, để học hỏi. Phân biệt đánh giá khi bổ nhiệm với đánh giá định kỳ; đánh giá phải xuyên suốt đa chiều, liên tục, theo hướng 360 độ, lấy sản phẩm công việc để đánh giá, có khen thưởng động viên khích lệ, tạo động lực cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đề cập tình trạng chạy chức, chạy quyền, một số ý kiến cho rằng phải có chế tài sớm hơn và làm ngay từ bây giờ. Trong đó chú ý cả ba phía, đó là người đứng đầu các cấp ở các tổ chức đảng, cơ quan không để người khác chạy; cơ quan làm công tác cán bộ không để cho người khác chạy; bản thân cán bộ phải gương mẫu, tự giác. Đồng thời với đó là cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động trong công tác này, để không ai có thể “chạy”.
Về một số chủ trương thí điểm, như người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ; Giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, các ý kiến đề nghị cần cân nhắc kỹ và có lộ trình phù hợp, đặc biệt là phải có cơ chế để kiểm soát quyền lực trong công tác này.
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.
Theo Báo báo nhân dân
Ý kiến bạn đọc