Đối thoại Chính sách về Tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030 (Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành Du lịch tỉnh)
BHG - Làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành Du lịch Hà Giang? Là nội dung chính tập trung phân tích, thảo luận trong Chương trình đối thoại Chính sách về Tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030 với Chuyên đề Cụm ngành Du lịch, diễn ra chiều 11.4 dưới sự chủ trì của các đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Đại diện FSPPM trình bày những phân tích về các vấn đề liên quan đến sự phát triển cụm ngành Du lịch của Hà Giang. |
Trong buổi làm việc, các chuyên gia của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) đã phân tích sự phát triển du lịch và vai trò của du lịch đối với kinh tế của địa phương; đánh giá năng lực cạnh tranh và định hướng phát triển du lịch tại Hà Giang. Phân tích của các chuyên gia chỉ ra những thách thức và bất lợi cũng như những lợi thế và tiềm năng phát triển của ngành Du lịch Hà Giang. Từ đó, đưa ra các khuyến nghị và một số ý tưởng có thể thực hiện ngay để thúc đẩy phát triển du lịch Hà Giang: Tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi và thúc đẩy ngành du lịch; có chính sách về quản lý và khai thác tài nguyên du lịch; nâng cấp các gói du lịch đủ hấp dẫn cho từng mùa khác nhau; thiết lập bản đồ du lịch Hà Giang trên mạng Google map; ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch tại các điểm đến, trước mắt hệ thống biển báo chỉ dẫn để tiếp cận các điểm đến tham quan; phân loại, chọn lọc các tài nguyên du lịch; xây dựng và áp bộ tiêu chí đánh giá cho từng lĩnh vực trong ngành du lịch; lựa chọn Đại sứ du lịch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành du lịch…
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Hồng Hải, đại diện Nhóm nghiên cứu của tỉnh đã trình bày Chương trình hành động về phát triển ngành Du lịch tỉnh Hà Giang, với quan điểm: Phát triển du lịch Hà Giang với tốc độ nhanh, tập trung phát triển theo chiều sâu, bền vững, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp. Các hình thức du lịch văn hóa, sinh thái và biên giới, vừa truyền thống vừa hiện đại để phát huy các giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc; phát triển trong mối liên kết vùng, cả nước và quốc tế… Mục tiêu của Chương trình là mang lại tổng thu từ du lịch đến năm 2020 đạt trên 4.400 tỷ đồng và năm 2030 đạt trên 20.000 tỷ đồng; ngành du lịch đạt đốc độ tăng trưởng 32,7%/năm, giai đoạn 2018 – 2020 và 35,5% sau năm 2020.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng tham gia đối thoại. |
Điều hành phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đặt ra các vấn đề cần phân tích rõ hơn như: Làm thế nào để tạo sự khác biệt trong ngành Du lịch; có thể xây dựng chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm cho du khách và đơn vị lữ hành trong thời gian lưu trú ở Hà Giang hay không? Đánh giá xuất phát điểm Du lịch Hà Giang đang ở đâu so với mặt bằng chung của cả nước và xem xét mọi khía cạnh về tiềm năng Du lịch của Hà Giang; đánh giá thêm những khuyến nghị và một số ý tưởng có thể làm ngay mà Fulbright đưa ra để bổ sung vào Chương trình hành động; việc tận dụng Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào Du lịch Hà Giang; sự chuyên biệt cụ thể trong phát triển ngành Du lịch là gì? Cải thiện môi trường đầu tư cho phát triển du lịch như cải cách hành chính, tạo quỹ đất thu hút doanh nghiệp… như thế nào? Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đều cho rằng: Hà Giang còn nhiều sản phẩm đặc sắc để thu hút, phát triển Du lịch ngoài những tiềm năng đã chỉ ra. Để ngành Du lịch phát triển bứt phá cần thay đổi căn bản từ tư duy đến hành động…
Tin, ảnh: Duy Tuấn - Bùi Hương
[links()]
Ý kiến bạn đọc