Đối thoại Chính sách về Tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030 (Định vị kế hoạch và chiến lược thực hiện tái cơ cấu)
BHG - “Định vị kế hoạch và chiến lược thực hiện tái cơ cấu” là nội dung chính trong buổi Đối thoại Chính sách về tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030 diễn ra sáng 11.4. Chương trình đã trải qua 4 phiên trình bày, thảo luận về kế hoạch và chiến lược tái cơ cấu của tỉnh, trong đó tập trung giải quyết những nút thắt trong việc hoạch định và điều hành kế hoạch tái cơ cấu của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì Chương trình đối thoại. |
Trong buổi làm việc này Giám đốc FSPPM Huỳnh Thế Du đã trình bày nghiên cứu về khung phân tích và cách tiếp cận chiến lược tái cơ cấu, phát triển kinh tế Hà Giang; định vị năng lực cạnh tranh, định hướng chiến lược và các vấn đề trọng tâm trong tái cơ cấu kinh tế và phát triển tỉnh Hà Giang. Giám đốc FSPPM Huỳnh Thế Du chỉ ra những nút thắt trong việc hoạch định và điều hành của các địa phương hiện nay nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng với 5 vấn đề cần giải quyết: Thông tin dữ liệu sơ sài; Quy hoạch và các chỉ tiêu điều hành không có tác dụng; Cơ chế khuyến khích ngược đối với cán bộ, công chức; Động cơ không muốn thoát nghèo của một bộ phận người dân; Chưa có sự gắn kết giữa ba trụ cột của nền kinh tế. Đồng thời đưa ra những giải pháp tháo gỡ với từng vấn đề, trong đó sử dụng 3 chỉ tiêu then chốt: Việc làm, Thu nhập, Thu ngân sách; 3 đối tượng cần thu hút: Doanh nghiệp, Người giỏi, Người giàu, làm thước đo. Trong những phân tích của Giám đốc FSPPM cũng nêu những ràng buộc thể chế chung, những cái khó và chuyển hướng chiến lược của Hà Giang. Qua đó đưa ra gợi ý cách làm như: Hà Giang cần có nghị quyết thể hiện sự quyết tâm và sự đồng thuận của tập thể lãnh đạo tỉnh; hình thành các nhóm hành động; cơ chế để khuyến khích cán bộ, công chức bước vào vùng xám…
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Trung Tài tham gia ý kiến trong phần đối thoại. |
Từ khung phân tích và đánh giá tình hình tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang của FSPPM, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Tiến Lợi thay mặt Nhóm nghiên cứu số 1 đã trình bày Dự thảo Chương trình hành động để giải quyết các vấn đề mà FSPPM đưa ra. Ngay sau đó, trong phần đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chỉ ra một số vấn đề cần làm rõ trong Chương trình hành động như: Mục tiêu phát triển cụ thể; thông tin dữ liệu cần có tham chiếu chéo; hệ thống chỉ tiêu phát triển cần động và mở, không đóng khung cứng nhắc; xác định cơ chế cạnh tranh và đánh giá cán bộ làm then chốt; trong quy chế làm việc, khẳng định vai trò của người đứng đầu các đơn vị, gắn với làm rõ giữa lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ Nhà nước và cơ quan chỉ đạo trực tiếp thực hiện nhiệm vụ; xây dựng bộ chỉ số đánh giá sự phục vụ của chính quyền với người dân; cụ thể trong đổi mới nhận xét đánh giá cán bộ; cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp cần đưa ra nội dung, vấn đề cụ thể… Từ đó, mong muốn các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành và chuyên gia quan tâm, tập trung thảo luận về những nội dung cần giải quyết theo FSPPM chỉ ra, những vấn đề còn chưa rõ trong Chương trình hành động và gợi ý một số nội dung thảo luận cụ thể như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tập trung vào hoạt động nào? Đánh giá vấn đề thụ hưởng của người lao động ở Hà Giang có xứng đáng, phù hợp? Công cụ và chính sách thu hút doanh nghiệp, người giỏi, người khá giả là gì? chiến lược, định hình kế hoạch Hà Giang phát triển như thế nào? Xác định và nhận thức rõ “vùng xám” và những vấn đề, chính sách để tỉnh ta có thể đưa cán bộ vào “vùng xám”? chỉ rõ đâu là “cần câu, con cá” trong từng lĩnh vực cụ thể; chỉ số đánh giá sự phục vụ của chính quyền với người dân, doanh nghiệp là gì? Cấu trúc vận hành của địa phương đánh giá qua thể chế, chính sách đã đáp ứng được chưa? Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo cần xây dựng các nhóm hành động để thực hiện ngay, xuyên suốt; các đồng chí Ủy viên BTV cần nghiêm túc bố trí thời gian tham gia chương trình để có sự thống nhất, đồng thuận…
Tin, ảnh: Duy Tuấn - Bùi Hương
[links()]
Ý kiến bạn đọc