Họp cho ý kiến vào Dự thảo các Đề án phát triển thủy sản và dược liệu
BHG - Ngày 12.3, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp lấy ý kiến vào dự thảo các Đề án: Tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản và dược liệu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030; Bảo tồn và phát triển dược liệu tại các khu rừng đặc dụng gắn với xóa đói giảm nghèo tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018 – 2025; Xây dựng sàn giao dịch dược liệu tỉnh Hà Giang. Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Hà Giang; Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến phát biểu tại cuộc họp. |
Những năm qua, diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ta liên tục tăng. Năm 2016, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt trên 1.994 ha; sản lượng đạt 1.802 tấn, giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 78,8 tỷ đồng; nhiều giống thủy sản mới có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất mang lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn manh mún, tự phát, hình thức nuôi chủ yếu là bán thâm canh, quảng canh, nuôi thời vụ với công nghệ nuôi lạc hậu; chưa có chính sách riêng để thúc đẩy thủy sản phát triển; chưa tận dụng hết tiềm năng để phát triển bền vững.
Về phát triển cây dược liệu, Hà Giang có trên 1.500 loài dược liệu, trong đó có nhiều loài quý, hiếm; cả tỉnh hiện có 10.800 ha trồng dược liệu; 5 khu bảo tồn và 1 vườn Quốc gia với diện tích rừng trên 46.408 ha. Đề án về phát triển dược liệu tại các khu rừng đặc dụng đặt ra mục tiêu bảo vệ tốt diện tích rừng đặc dụng thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế cho người dân; quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên thông qua phục hồi và phát triển những loài dược liệu hiện có; phủ xanh đất trống tại các khu phục hồi sinh thái bằng các loài cây lâm nghiệp quý.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Đối với Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản: Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh về nuôi trồng thủy sản của tỉnh, đề nghị ngành chức năng bổ sung các giải pháp và cơ chế chính sách vào đề án để quy hoạch, quản lý và tập trung khai thác, phát triển thủy sản hiệu quả trên các lòng hồ thủy điện.
Đối với Đề án Bảo tồn và phát triển Dược liệu tại các khu rừng đặc dụng gắn với xóa đói giảm nghèo, đề nghị Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn căn cứ quy định của Nhà nước, bổ sung, hoàn thiện Đề án, trong đó đề xuất các giải pháp cho phép hoạt động dược liệu dưới tán rừng để xây dựng các khu bảo tồn thành các khu phát triển dược liệu; bổ sung cơ chế hỗ trợ cho người dân, các ban quản lý các khu rừng đặc dụng; quy định hình thức và trách nhiệm đối với các doanh nghiệp đầu tư trồng dược liệu dưới tán rừng.
Về Đề án Xây dựng sàn giao dịch dược liệu, đề nghị Sở Công thương bổ sung các nội dung về cơ chế phối hợp giữa các ngành; sự tham gia của Hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp; những yêu cầu về chất lượng sản phẩm khi tham gia sàn giao dịch. Cần chuẩn bị tốt các điều kiện để xây dựng một sàn giao dịch chuyên nghiệp, hiệu quả, thu hút đông đảo doanh nghiệp dược liệu lớn và các sản phẩm dược liệu, uy tín, có thương hiệu tham gia.
Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến giao lãnh đạo và chuyên viên các sở, ngành chỉnh sửa, bổ sung nội dung theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy; hoàn thiện Đề án trình UBND tỉnh trước ngày 15.4 để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ra nghị quyết trong kỳ họp sắp tới.
Tin, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc