Hội nghị cho ý kiến vào Dự thảo "Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Giang" giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến 2030
BHG - Chiều 2.2, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị cho ý kiến vào Dự thảo “Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Giang” giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến 2030. Các đồng chí: Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành và 11 huyện, thành.
“Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Giang” do Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành và các huyện, thành phố thực hiện; Công ty CP Dược khoa (DK Pharma) là đơn vị tư vấn triển khai Đề án; phạm vi triển khai trên toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đây là chương trình phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế trên địa bàn tỉnh theo hướng gia tăng giá trị do các tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân thực hiện. Nhà nước đóng góp vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Mục tiêu của Đề án đến năm 2020, phát triển các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế, cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, góp phần phát triển xã hội khu vực nông thôn theo hướng bền vững.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến kết luận Hội nghị |
Thảo luận và cho ý kiến vào Dự thảo Đề án, các đại biểu cho rằng: Nội dung của Đề án cần ngắn gọn, tập trung đi sâu vào các giải pháp, cách làm cụ thể trong việc xây dựng, quảng bá, tập huấn, đào tạo con người và hỗ trợ cộng đồng; mỗi huyện cần xây dựng các điểm bán và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương; đẩy mạnh các hoạt động tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình tiêu biểu; nên thành lập một trung tâm cấp tỉnh để thực hiện việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chung cho cả tỉnh; cần xác định rõ nguồn vốn để thực hiện Đề án; lựa chọn các sản phẩm phải có sự khác biệt, nổi trội thì mới tăng tính cạnh tranh, đảm bảo tính đầu ra của sản phẩm...
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp vào Dự thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung như sau: Bổ sung thêm thực trạng về hệ thống các sản phẩm của tỉnh, phân tích rõ tính khác biệt, tính đặc thù của từng sản phẩm; làm rõ việc cần thiết để ban hành Đề án này; sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đối với các sản phẩm hiện có; cần đánh giá kỹ mức thu nhập bình quân của người dân nông thôn sẽ tăng được bao nhiêu khi thực hiện theo Đề án… Để đảm bảo tính hiệu quả của Đề án, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các huyện, thành phố cần rà soát, đánh giá lại các sản phẩm để thống nhất lựa chọn sản phẩm tiêu biểu của địa phương trước 10.2; đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, học tập kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kịp thời ban hành các nghị quyết, chuyên đề để tập trung chỉ đạo thực hiện nội dung này. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất các nguồn lực để thực hiện Đề án; lựa chọn huyện Quản Bạ để tổ chức thực hiện điểm, qua đó đánh giá, rút kinh nghiệm; tổ chức thi các sản phẩm tiêu biểu của địa phương nhằm đánh giá, phân loại, chấm điểm các sản phẩm...
Tin, ảnh: TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc