Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2017
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ 6-11.11. Hội nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp xúc và xúc tiến đầu tư với các lãnh đạo và tổng giám đốc doanh nghiệp hàng đầu khu vực cũng như để các nhà đầu tư quốc tế tìm hiểu về tiềm năng hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Cạnh đó, họ có thể chia sẻ thông tin, kinh nghiệm lẫn nhau.
Trong bài phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế hãy đến và cùng chính phủ, doanh nghiệp và người dân Việt Nam xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi và minh bạch hướng theo những chuẩn mực hàng đầu của ASEAN, APEC và thế giới.
Lưu ý rằng các hội nghị của APEC và VBS được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An, vốn là thương cảng sôi động từ thế kỷ thứ 17 với các đội tàu buôn của Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu đặt nền móng cho phát triển giao thương hàng trăm năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay đến nay Việt Nam vẫn đang nỗ lực hoàn thiện mình để tiếp tục là đối tác kinh doanh tin cậy, đầy triển vọng trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế của các quốc gia.
"Việt Nam đã cho thấy sự năng động của mình thông qua việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại toàn cầu", Thủ tướng phát biểu.
Nhấn mạnh quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô vững chắc, cải cách thể chế, chính sách pháp luật, phát triển bền vững, chú trọng tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân, Thủ tướng vạch ra 3 định hướng lớn, gồm:
Thứ nhất, tập trung vào cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật, thúc đẩy pháp quyền, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng tăng trưởng bền vững, bảo đảm các thăng tiến xã hội không ngừng, kéo tầng lớp dân cư thu nhập thấp tiến lên hội tụ với nhóm thu nhập trung bình và khá.
Thứ hai,phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để vun đắp, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Việt Nam cam kết bảo hộ các ý tưởng sáng tạo, phát kiến mới trong khởi nghiệp và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Luật Sở hữu trí tuệ cũng như trong khuôn khổ các FTA mà Việt Nam tham gia.
Thứ ba, thực hiện cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, hướng đến các chuẩn mực minh bạch, công bằng và hiệu quả theo tiêu chuẩn cao của OECD.
Trước đó, trong phát biểu chào mừng, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói rằng tuy là nền kinh tế đi sau, môi trường kinh doanh có thể còn nhiều điều còn cải thiện nhưng có thể khẳng định ở Việt Nam hiện nay, vị thế, vai trò của doanh nghiệp và của các nhà đầu tư đang được đánh giá cao hơn bao giờ hết.
Với chủ đề “Việt Nam- Đối tác kinh doanh tin cậy”, VBS chủ yếu bàn về cơ hội kinh doanh. Ngoài ra, VBS năm nay cũng là năm mở màn cho diễn đàn hợp tác quốc tế lớn nhất sẽ được tổ chức thường niên tại Việt Nam.
Hội nghị sẽ bao gồm 3 phiên, trong đó 2 phiên đầu có chủ đề lần lượt là: "Việt Nam – Đổi mới toàn diện vì phát triển bền vững" và "Việt Nam – Điểm đến thân thiện với doanh nghiệp". Phiên thứ 3 sẽ là các hội thảo chuyên đề, với chủ đề bao gồm: Nông nghiệp bền vững, Tài chính cho phát triển, Y tế và giáo giục, Cơ sở hạ tầng, Đặc khu kinh tế và tiềm năng du lịch, Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Triển lãm “Việt Nam- Đối tác kinh doanh tin cậy và giàu tiềm năng” cũng được tổ chức song song với VBS, trưng bày các thành tựu nổi bật của kinh tế Việt Nam, giới thiệu về các địa phương, những dự án kêu gọi đầu tư, tiềm năng kinh tế trên các ngành: nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp và dịch vụ…
Theo Báo Thanh niên
Ý kiến bạn đọc