Ánh sáng Tháng Mười - Trọn một niềm tin. Kỳ II: Mãi sâu đậm xứ sở Bạch Dương
BHG - Đối với 3 đồng chí: Đại tá Hoàng Đình Xuất, nguyên Chỉ huy trưởng; Thượng tá Vàng Đình Chiến, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và Thượng tá Trần Nam Trung, Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang, lần đầu có cơ hội sang nước ngoài học tập, kỷ niệm thời gian học ở Học viện Biên phòng Nga là những năm tháng không thể nào quên.
Thượng tá Trần Nam Trung (thứ 5 từ phải sang) và các học viên là BĐBP Việt Nam cùng chụp ảnh với Giảng viên Học viện Biên phòng Nga. (Ảnh do nhân vật cung cấp). |
Hàng năm, Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay thường dành cho Việt Nam các suất học bổng tại các trường học viện danh tiếng ở Nga. Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam cử cán bộ đi học tại Học viện Biên phòng, thành phố Mát-xcơ-va (Liên bang Nga). Cán bộ được cử đi học là những sĩ quan đã được đào tạo các chuyên ngành về Biên phòng trong nước; đã qua công tác thực tế tại các đơn vị BĐBP. Chương trình đào tạo của Học viện trang bị, bổ túc kiến thức cho học viên về các chuyên đề liên quan đến công tác chỉ huy đơn vị biên phòng trong thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ biên giới Quốc gia. Nhiều người đã, trưởng thành từ môi trường đào tạo từ xứ sở Bạch Dương mang kiến thức về nước phục vụ Tổ quốc. 3 đồng chí Hoàng Đình Xuất, Vàng Đình Chiến, Trần Nam Trung, chính là những người được tham dự các khóa học đó ở 3 năm khác nhau.
Thượng tá Trần Nam Trung xem lại kỷ vật được tặng thưởng khi học tại Học viện Biên phòng Nga. Ảnh: HOA SIM |
Học viện Biên phòng Nga là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn nhất của Biên phòng Nga. Hiện nay, học viện có nhiều khoa chuyên ngành, trong đó có một khoa đặc biệt đào tạo học viên Quốc tế, với gần 200 giáo sư, tiến sỹ, cán bộ giảng dạy. Đặc biệt, các tướng lĩnh, sỹ quan trong ngành đã nghỉ hưu cũng tham gia giảng dạy.
Đại tá Hoàng Đình Xuất nhớ lại: cuối tháng 2. 2010 đến tháng 7. 2010, anh được học tại Học viện. Kế hoạch tổ chức học tập được bạn chuẩn bị chu đáo. Đoàn học viên nhập cảnh vào Nga qua của khẩu hàng không, cán bộ và xe ô tô của Học viện ra sân bay đón đoàn, bố trí sắp xếp phòng ở. Giảng viên của Học viện giảng dạy nghiêm túc, nhiệt tình, trách nhiệm; kiến thức truyền đạt cơ bản, có nhiều ví dụ thực tế, sinh động trong bảo vệ biên giới của nước bạn. Đa số các môn đều tiến hành dưới hình thức giảng dạy lý thuyết và thảo luận, trao đổi, tham quan thực tế tại cửa khẩu. Có giáo sư 85 tuổi vẫn tham gia giảng dạy, ông đặc biệt quý học viên là người Việt Nam. Cứ mỗi ngày, khi vào lớp, trước khi giảng, ông cũng hỏi thăm, động viên bắt tay từng học viên. Ông còn tự tay muối hàng chục lọ cà chua tặng các học viên. Vừa lý thuyết, các học viên được Học viện đưa đi thăm Đoàn Biên phòng và các Đồn Biên phòng Nga và Phần Lan, đi thăm các vùng quê ở Nga. Cùng thăm Quảng trường Đỏ, tượng đài và Lăng Lê nin; dâng hoa tại Tượng đài Hồ Chí Minh ở Matxcova.
Từ 1.9.2016 đến 20.6.2017, Thượng tá Trần Nam Trung Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang là 1/10 cán bộ BĐBP Việt Nam học lớp “Đào tạo bổ túc quản lý, chỉ huy các đơn vị Biên phòng” tại Học viện Biên phòng Liên bang Nga. Cũng như đồng chí Hoàng Đình Xuất, Vàng Đình Chiến, khi sang Nga, do múi giờ chênh lệch Việt Nam, khiến thay đổi đồng hồ sinh học, thời tiết lạnh - 10 đến -15¬độ C, thậm chí có ngày đến - 32 độ C; ngôn ngữ bất đồng, đồ ăn cũng khác. Để đảm bảo cho việc học tập, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của Học viện (được ở miễn phí (2 - 3 người/phòng), với đầy đủ phương tiện), các anh đều phải tập luyện, đáp ứng môi trường mới. Các buổi thực hành có phòng học chuyên dùng, các buổi học thể lực trong khu thể thao hoặc ngoài trời. Miệt mài học tập, các nội dung thực hành, kiểm tra hết môn của các thành viên trong đoàn đều đạt khá và giỏi, 5 đồng chí được Học viện tặng Bằng khen. Riêng Thượng tá Trần Nam Trung: ngoài nhận Bằng khen của Học viện, anh còn được Khoa Đặc biệt tặng Giấy khen vì có thành tích trong học tập.
Khi hỏi cảm nhận về nước Nga, cả Đại tá Hoàng Đình Xuất, Thượng tá Vàng Đình Chiến và Thượng tá Trần Nam Trung, đều có chung ấn tượng: Cách mạng tháng Mười đi vào lịch sử nhân loại, nhưng Việt Nam nói chung, mỗi chúng tôi nói riêng, không bao giờ quên tình cảm của nước Nga Xô viết. Văn hóa ứng xử Người Nga đầy ấn tượng, rất nhân hậu, cởi mở và rất thân thiện, họ hết lòng, giúp tôi rất nhiều trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập. Chúng tôi không thể nào quên đất nước Nga; luôn nhớ kỷ niệm nơi thiên nhiên hùng vĩ của xứ sở Bạch Dương, vẫn luôn in đậm trong tim hình ảnh những con người nhân hậu, thủy chung, những thầy cô hết mực yêu thương giúp đỡ học sinh là người Việt Nam.
Bài, ảnh: HOA SIM
[links()]
Ý kiến bạn đọc