Ánh sáng Tháng Mười - Trọn một niềm tin. Kỳ I:Dấu ấn vượt thời gian
BHG - Hơn nửa thế kỷ, Liên Xô, rồi Liên bang Nga giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình phát triển KT-XH, vừa nhận đào tạo cho Việt Nam hàng ngàn chuyên gia, công nhân thuộc nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, Liên Xô đã giúp đào tạo cho Việt Nam hàng nghìn sỹ quan, chuyên gia kỹ thuật, góp phần xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại. Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, giá trị truyền thống, tình hữu nghị thủy chung Việt – Xô, Việt Nam- Liên bang Nga càng khẳng định hơn bao giờ hết, đặc biệt với những người Việt Nam đã từng sống, học tập và công tác ở quê hương Cách mạng Tháng Mười.
Trung tướng Phạm Tuân kể chuyện về Liên Xô và Liên Bang Nga với phóng viên Báo Hà Giang. Ảnh: Hồng Linh (Trung tâm PTTH Quân đội) |
Trong ngôi nhà số 35, ngõ 111, phố Cù Chính Lan, quận Thanh Xuân (Hà Nội), Trung tướng Phạm Tuân- 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng, người đầu tiên của châu Á được bay vào vũ trụ, xúc động kể lại những kỷ niệm không thể nào quên quãng thời gian ông được học tập và công tác tại Liên Xô: Năm 1967, tốt nghiệp Trường phi công quân sự ở Liên Xô, Anh hùng Phạm Tuân trở về Việt Nam công tác. Năm 1980, trong chương trình Intercosmos (Nghiên cứu vũ trụ vào mục đích hòa bình) của Liên Xô, ông được cùng với nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko bay vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz ngày 23.7 và trở về trái đất ngày 31.7.
Chuyến bay trở thành sự kiện lịch sử trong đời sống nhân dân hai nước, ghi một mốc son mới vào sự phát triển tình hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên Xô trước đây, cũng như với Liên bang Nga ngày nay. Bên cạnh ý nghĩa khoa học, chuyến bay còn có ý nghĩa chính trị là chủ yếu. Lúc đó, Việt - Xô có mối thân tình. Liên Xô đã nghĩ ra việc “tất cả các nước XHCN cùng bay” và Việt Nam không ngoài chương trình đó.
Gorbatko là người lái chính điều khiển con tàu. Trung tướng Phạm Tuân là người lái phụ, phụ trách các thông số kỹ thuật, bảng điều khiển. Để có được chuyến bay ấy là cả quá trình khổ luyện. Trung tướng Phạm Tuân cho biết, các chuyên gia của Trung tâm Đào tạo các nhà du hành vũ trụ Gagarin cũng đã nghiên cứu rất kỹ tính cách, sở thích, phản xạ của họ qua các bài kiểm tra, chọn họ thành một cặp bay. Cũng chính từ tâm đầu ý hợp, 2 ông Gorbatko và Phạm Tuân “ăn ý” tốt với nhau, kết hợp với sự chỉ đạo chặt chẽ từ mặt đất, con tàu vũ trụ được 2 ông lắp ghép thành công vào Trạm Chào mừng 6, cùng hoàn thành nhiệm vụ trong chuyến bay lịch sử vào vũ trụ.
Trung tướng Phạm Tuân và vợ tại nhà riêng. Ảnh: HÀ AN |
Giây phút trở về với mặt đất cũng là những giây phút hạnh phúc, thiêng liêng. Trung tướng Phạm Tuân và nhà du hành vũ trụ Xô Viết Viktor Vassilyevich Gorbatko trở về trong sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân Liên Xô. Ngày đó, Trung tướng Phạm Tuân vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô Brê-giơ-nhép gắn lên ngực ông Ngôi Sao Đỏ và danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lênin. Phần thưởng đó, còn là một biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Liên bang Nga. Năm 1973, Trung tướng Phạm Tuân được Đảng, Nhà nước ta phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Sau chuyến bay, hoàn thành nhiệm vụ trở về trái đất, Trung tướng Phạm Tuân tiếp tục học ở Học viện Chỉ huy không quân và về nước làm việc.
Cho đến giờ, Trung tướng Phạm Tuân cũng không nhớ nổi bao nhiêu lần ông đặt chân tới Liên Xô, Liên bang Nga - cái tên luôn in đậm trong trái tim. Dày thêm ký ức, sâu đậm thêm ấn tượng xứ sở Bạch dương, về những người bạn. Trong số đó, phải kể đến tình thầy trò, tình bạn giữa ông và nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko. Trung tướng Phạm Tuân cho biết: Ông Gorbatko rất chân thành, cởi mở, mộc mạc, giản dị, gần gũi với người Việt Nam. Khi ông Gorbatko còn sống, 2 gia đình vẫn thường xuyên qua lại thăm nhau; đều ra tận sân bay đón nhau. Thời gian chuẩn bị chuyến bay, Trung tướng Phạm Tuân đưa cả gia đình sang Liên Xô. Gia đình ông và gia đình ông Gorbatko trở nên thân thiết nhất trong khu tập thể huấn luyện bay.
Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ: Cách mạng Tháng Mười Nga đã đi vào lịch sử của nhân loại, vẫn đang được Liên Xô và Liên bang Nga hiện nay kế thừa, tiếp tục duy trì và phát huy trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Cách mạng Tháng Mười có ý nghĩa vô cùng to lớn và quan trọng đối với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đảng, Nhà nước và Quân đội Việt Nam rất coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay, coi đó là người bạn thủy chung, đối tác tin cậy của Việt Nam. Tính cách con người Liên Xô, nước Nga luôn cởi mở, nước Nga cho ông nền tảng vững chắc, cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Xô Viết trước đây và nước Nga ngày nay đối với Việt Nam nói chung và gia đình ông nói riêng. Trung tướng Phạm Tuân cũng bày tỏ mong muốn, tình hữu nghị truyền thống Việt Nam- Liên Xô và nay là Việt –Nga, sẽ luôn được vun đắp và bền vững.
Kỳ II: Mãi sâu đậm xứ sở Bạch Dương.
HOA SIM
Ý kiến bạn đọc