Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV: Các đại biểu QH nghe 6 Tờ trình và Báo cáo thẩm tra
Chiều 23.10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, các đại biểu QH đã nghe 6 Tờ trình và Báo cáo thẩm tra tại Kỳ họp gồm: Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện Ngân sách nhà nước năm 2017; Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Tờ trình về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo. |
Các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; Dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2018 và Kế hoạch Tài chính - Ngân sách Nhà nước ba năm Quốc gia 2018-2020. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch Tài chính - Ngân sách Nhà nước ba năm quốc gia 2018-2020. Trong đó, tổng thu NSNN năm 2017 ước đạt 1.212.180 nghìn tỷ đồng, thu nội địa tăng chậm, tiến độ thu đạt thấp trong ba năm gần đây. Dự toán thu NSNN năm 2018 tăng 6,4% so với ước thực hiện năm 2017. Về bội chi NSNN, mức bội chi năm 2017 ước chiếm 3,5% GDP. Chính phủ dự kiến bội chi NSNN năm 2018 khoảng 3,7%GDP, tăng 0,2%GDP so với năm 2017.
Trình bày Tờ trình dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, việc sửa đổi Cạnh tranh nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong Luật Cạnh tranh năm 2004. Đó là, hạn chế trong việc thiếu cơ sở để kiểm soát các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng gây tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam. Thay đổi cách tiếp cận để kiểm soát hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền; tập trung kinh tế và hành vi cạnh tranh không lành mạnh để phản ánh đúng bản chất và tác động của hành vi, phù hợp với thông lệ quốc tế. Khắc phục hạn chế về mô hình và địa vị pháp lý của cơ quan cạnh tranh để bảo đảm tính độc lập, hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động thực thi pháp luật cạnh tranh.
Trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cạnh tranh nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh, phù hợp với các cam kết quốc tế, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sửa đổi Luật Cạnh tranh cũng là một bước quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ và giải pháp về “hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch về độc quyền nhà nước” nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN theo tinh thần của Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3.6.2017 của Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII…
QH (Tổng hợp)
(Theo Báo Nhân Dân điện tử)
Ý kiến bạn đọc