Khai mạc Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 12 (Mở rộng)
BHG - Ngày 10.7, Tỉnh ủy Hà Giang đã tổ chức Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 12 (Mở rộng) khóa XVI nhiệm kỳ 2015 - 2020 để đánh giá tình hình thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng trong 6 tháng đầu năm; triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh 6 tháng còn lại của năm 2017. Các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Hà Giang; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có các đồng chí đại diện các Ban xây dựng Đảng T.Ư theo dõi tỉnh Hà Giang; Thường trực HĐND, UBND và lãnh đạo các sở, ban, ngành, Bí thư 11 Huyện, Thành ủy và các Đảng ủy trực thuộc; đại diện các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị phát huy tinh thần trách nhiệm, dân chủ và trí tuệ tập thể, tập trung nghiên cứu thảo luận, thẳng thắn đánh giá những kết quả đạt được và nguyên nhân của những hạn chế yếu kém để đề ra phương hướng khắc phục trong 6 tháng cuối năm 2017. Trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm; phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017; Báo cáo kết quả lãnh đạo của BTV Tỉnh ủy 6 tháng đầu năm 2017 và các nhận định, đánh giá nêu tại các báo cáo, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các đại biểu tiếp tục nghiên cứu thảo luận, thẳng thắn đánh giá những kết quả đạt được và nguyên nhân của những hạn chế yếu kém để đề ra phương hướng khắc phục trong 6 tháng cuối năm 2017.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Sáu tháng đầu năm 2017 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là điều kiện thiên tai, khí hậu đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân... nhưng dưới sự lãnh chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đồng bộ của BTV, BCH Tỉnh ủy, các cấp, các ngành trong toàn tỉnh đã tạo được sự đồng thuận xã hội và đạt được những kết quả quan trọng. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 6,68%; trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,63%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,84%; dịch vụ tăng 7%; thuế và trợ cấp sản phẩm tăng 6,7%. Tổng sản phẩm theo giá thực tế ước đạt trên 8.124 tỷ đồng, tăng 9,05% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 3.131 tỷ đồng, tăng 13,8% so cùng kỳ; thu ngân sách trên địa bàn đạt 858,6 tỷ đồng, đạt 45,9% kế hoạch; tốc độ tăng trưởng của tỉnh xếp thứ 5 trong 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong số các chỉ tiêu đánh giá thường kỳ có 08/32 chỉ tiêu đạt 100% trở lên; 10/32 chỉ tiêu đạt từ 70% trở lên và có 11/32 chỉ tiêu đạt dưới 50%. Cũng trong 6 tháng đầu năm, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững, chú trọng tổ chức lại sản xuất cho người dân, phát triển sản xuất, chế biến theo hướng VietGap, nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao, nhân rộng các HTX phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa… Các giá trị văn hóa xã hội được duy trì và phát triển, chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện kịp thời, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao. Chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được mở rộng, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến rõ nét. Công tác lãnh đạo của Đảng có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở như: Ban hành Bộ công cụ đánh giá cán bộ, đảng viên thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Ban hành Hướng dẫn về xây dựng chương trình công tác trọng tâm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội và chương trình hành động cá nhân của cấp ủy viên, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị trong toàn tỉnh; Ban hành Quy định về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; tổ chức lấy phiếu đánh giá mức độ quyết liệt của cấp ủy viên cấp tỉnh...
Hội nghị đã tiến hành chia Tổ thảo luận, tập trung trí tuệ tập thể bàn giải pháp khắc phục một số hạn chế như: Tình trạng khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép còn nhiều diễn biến phức tạp; việc thu hút đầu tư, rà soát thủ tục hành chính kết quả chưa cao; việc quản lý, sử dụng đất đai còn nhiều sơ hở; việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của một số dự án lớn trên địa bàn còn chậm. Công tác lãnh đạo chỉ đạo thực hiện các giải pháp về giải quyết việc làm, quản lý công dân đi nước ngoài lao động tự do, tảo hôn ở các huyện biên giới còn chưa hạn chế. Đa số các ý kiến của các đại biểu đều nhất trí cho rằng: Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục quyết liệt triển khai có hiệu quả các nghị quyết về: Nhiệm vụ “Mỗi huyện xây dựng một xã, mỗi xã xây dựng một thôn điển hình về phát triển kinh tế” gắn với xây dựng “Mỗi làng một sản phẩm”. Cần đổi mới về cách tiếp cận về nguồn lực đất đai, coi đây là tiềm năng của tỉnh để thu hút đầu tư; cần chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mông và triển khai việc chấm điểm quyết liệt đến cấp xã...
Tin, ảnh: Phi Anh
Ý kiến bạn đọc