Đoàn công tác của tỉnh làm việc với Bộ NN&PTNT
BHG - Sáng 8.7, tại Bộ NN&PTNT, Đoàn công tác của tỉnh gồm các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Ban Giám đốc Sở NN&PTNT và trưởng các đơn vị trực thuộc Sở đã có buổi làm việc với Bộ NN&PTNT về việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Viũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện của Bộ NN&PTNT; đại diện Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam.
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh phát biểu tại buổi làm việc |
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đối với tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh tập trung nguồn lực vào “3 cây: cam, chè, dược liệu và 2 con: trâu bò, ong”. Qua hơn 1 năm triển khai, giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp và thủy sản năm 2016 (theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 6.309 tỷ đồng, tăng 4,4% so với năm 2015; giá trị thu hoạch bình quân/ha đất canh tác cây hàng năm đạt 41,3 triệu đồng/ha, tăng 1,3 triệu đồng/ha so với năm 2015; sản lượng lương thực có hạt năm 2016 đạt 395,8 ngàn tấn, tăng 5,6 ngàn tấn so với 2015; bình quân lương thực đầu người đạt 483kg/người/năm; sản lượng chè búp tươi đạt 65,52 ngàn tấn; sản lượng cam đạt 33,26 ngàn tấn; sản phẩm chăn nuôi đạt 38,77 ngàn tấn; trồng rừng mới tập trung đạt trên 6.078 ha, vượt 7% so với kế hoạch giao; tỷ lệ che phủ rừng năm 2016 đạt 55,1%... Đối với xây dựng NTM, tỉnh chú trọng thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao đời sống người dân; lồng ghép các nguồn vốn trong triển khai; năm 2016, có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 16 xã.
Phát biểu tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đề xuất, kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ cho tỉnh 1 dự án khoa học công nghệ nhân giống và bảo tồn phát triển đại gia súc của tỉnh để giúp tỉnh thực hiện hiệu quả chương trình phát triển 500 ngàn con đại gia súc; hỗ trợ triển khai dự án xây dựng giải pháp phòng, chống lũ quét, sạt lở đất cho huyện Hoàng Su Phì và tổng thể cho toàn tỉnh từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản; xem xét hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện quy trình kỹ thuật gây trồng một số loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ 1 dự án bảo tồn, lưu giữ nguồn gen cây lâm nghiệp quý hiếm tại vùng Công viên ĐCTC CNĐ Đồng Văn; hỗ trợ xây dựng mô hình gói hỗ trợ kỹ thuật tổng hợp áp dụng cho vườn cam VietGap đến năm 2020; hỗ trợ việc xử lý nước cho các hồ “treo”; giúp tỉnh nằm trong quy hoạch vùng sản xuất nông sản hữu cơ của cả nước; bổ sung tỉnh vào vùng quy hoạch phát triển cây cao su; tiếp tục hỗ trợ tỉnh triển khai các dự án về lĩnh vực thủy lợi, hồ chứa nước sinh hoạt vùng cao, bố trí dân cư, xây dựng NTM…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ với những khó khăn của tỉnh. Về hướng phát triển trong thời gian tới, đồng chí đề nghị, tỉnh Hà Giang cần coi trọng kinh tế lâm nghiệp; phát triển nông nghiệp cần hướng đến nông nghiệp đặc sản; biến bất lợi thành lợi thế riêng; cần định dạng một nền nông nghiệp hữu cơ; tận dụng đa dạng thổ nhưỡng, đa dạng sinh học để phát triển dược liệu; cần gắn phát triển nông nghiệp với du lịch; cần có sự quản lý thực sự bài bản, căn cơ diện tích rừng hiện có; mở rộng đối tượng thu quỹ dịch vụ môi trường rừng; cần nghiên cứu, đề xuất làm điểm tiến tới quy hoạch mở rộng mô hình trồng cây trên đá sinh thủy, nhất là các huyện vùng cao núi đá; phát triển lâm nghiệp, rừng sản xuất cần chú ý đến rừng gỗ lớn để có chuỗi giá trị dài hơn; quan tâm đến công nghiệp chế biến lâm sản. Đối với nhóm chuyển đổi trồng trọt theo đề án tái cơ cấu của tỉnh, cần rà soát và mở rộng đến mức cho phép cây cam để có thể xây dựng nhà máy chế biến; cây chè và dược liệu cần rà soát giống, kỹ thuật làm theo hướng hữu cơ; gắn sản phẩm vào các lễ hội; nghiên cứu, tính toán để phát triển đa dạng thêm các loại rau, hoa, quả. Về nhóm chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đồng tình với chương trình phát triển 500 ngàn con đại gia súc của tỉnh; bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển đến đàn lợn, gà; chú trọng đến gắn chuỗi phát triển khoa học; đảm bảo về giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; khuyến khích phát triển sản phẩm mật ong Bạc hà…
Tin, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc