Các Ban Pháp chế, Văn hóa xã hội, Dân tộc HĐND tỉnh thẩm tra Văn bản trình Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh
BHG - Trong 2 ngày 8 và 9.7, tại phòng họp số 1 trụ sở Văn phòng HĐND tỉnh, các Ban Pháp chế, Văn hóa xã hội, Dân tộc HĐND tỉnh đã tiến hành họp thẩm tra Văn bản trình Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh, khóa XVII nhiệm kỳ 2016-2021. Dự các buổi thẩm tra văn bản có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Chúng Thị Chiên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các Ban Pháp chế, Dân tộc, Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND và lãnh đạo Văn phòng HĐND tỉnh cùng các phòng chuyên môn.
Theo phân công của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiến hành thẩm tra 05 báo cáo của UBND tỉnh gồm báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 trong lĩnh vực Pháp chế; báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017; báo cáo tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016; báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật 6 tháng đầu năm 2017; báo cáo kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017. 03 báo cáo của cơ quan Tư pháp và 03 Tờ trình kèm dự thảo Nghị quyết về ban hành Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016- 2021; Quy định về mức chi bồi dưỡng đối với người có làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh; Quy định mức chi đảm bảo hoạt động giám sát, phản biện xã hội của UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Hoàng Đình Phới, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Bí thư Huyện ủy huyện Quản Bạ phát biểu tại cuộc họp |
Tại buổi thẩm tra, Thường trực HĐND tỉnh và lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh đã tham gia, đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo báo cáo thẩm tra, có 12 lượt ý kiến, về hoàn thiện bố cục và nội dung báo cáo, cụ thể: Cần phân tích, đánh giá sâu hơn về tồn tại, hạn chế của các nội dung như công tác phòng, chống tham nhũng, tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác khiếu nại, tố cáo, công tác thi hành án... Việc kê khai tài sản, chống tham nhũng còn mang tính hình thức, đề nghị nâng cao chất lượng thanh tra, tăng cường hoạt động giám sát, đặc biệt là các cấp lãnh đạo, đồng thời có cơ chế bảo vệ người tố cáo; Đẩy nhanh tiến độ xử lý người vi phạm; Có giải pháp, xử lý nghiêm các hoạt động xã hội đen, vay nặng lãi, xe chở quá khổ, quá tải; Tăng cường số lượng thanh, kiểm tra, giám sát chuyên đề về mua sắm tài sản, thuế, thiết bị y tế… Ngoài đầu tư về chất lượng cho các cơ quan tư pháp thì cần đầu tư về cơ sở vật chất để đảm bảo hiệu quả công việc; Bố trí cán bộ có trình độ, năng lực trong hoạt động tiếp công dân; Quan tâm đến công tác hòa giải cơ sở; Đề nghị UBND tăng cường công tác an ninh chính trị trên địa bàn toàn tỉnh; làm rõ thêm các lĩnh vực, mức độ lãng phí của các công trình, dự án…
Được sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh thẩm tra các báo cáo và dự thảo Nghị quyết thuộc lĩnh vực VH-XH như: Báo cáo số 271 của UBND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm; phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; báo cáo 270 của UBND tỉnh về kết quả thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc và chính sách đối với người có công năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017; dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025. Theo đó, trong báo cáo thẩm tra của Ban VH- XH đã chỉ ra những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong các báo cáo của UBND tỉnh, sự cần thiết và thẩm quyền ban hành Nghị quyết.
Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các Ban cũng đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến để báo cáo thẩm tra của Ban VH- XH đầy đủ, hoàn chỉnh hơn như: chỉ rõ những tồn tại hạn chế và bổ sung thêm các ý kiến, kiến nghị UBND tỉnh: cần đưa ra những số liệu cụ thể, tình trạng học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học chưa đảm bảo… Có nhận định cụ thể đối với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, công tác giáo dục nghề nghiệp, công tác khám chữa bệnh nên bổ sung thêm việc thực hiện theo thông tư 37 giá dịch vu tăng có tác động, ảnh ảnh gì đến người bệnh, chất lượng khám chữa bệnh…; công tác cai nghiện ma túy cần có sự so sánh cụ thể; bổ sung thêm các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm; chế độ chính sách đối với người có công; bổ sung, đánh giá thêm chính sách người có công đối với dân công hỏa tuyến; giải pháp, khắc phục tình trạng sinh con thứ 3, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bỏ học đi Trung Quốc làm thuê bất hợp pháp; kết quả thực hiện văn hóa thể thao, thông tin truyền thông như dịch vụ hành chính công, trực tuyến...
Ban Dân tộc HĐND tỉnh được phân công thẩm tra 03 báo cáo và 02 dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp gồm: Báo cáo số 217/BC-UBND ngày 05.5.2017 của UBND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017; Thẩm tra báo cáo số 270 của UBND tỉnh về kết quả thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc; chính sách đối với người có công năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017; Báo cáo số 266/BC-UBND của UBND tỉnh về kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri từ trước và sau Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa XVII; Dự thảo Nghị quyết về việc thông qua Đề án quy tụ các hộ sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới về sống tập trung tại các thôn bản, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020; dự thảo Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2018 của HĐND tỉnh.
Trong buổi thẩm tra, các đồng chí lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh và các đại biểu cơ bản đồng tình với các báo cáo. Có ý kiến đề nghị UBND tỉnh ưu tiên kinh phí đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đường quốc lộ 4D qua địa bàn 2 xã Tân Tiến, Túng Sán; cần có báo cáo chính sách người có công; đề án quy tụ dân cư cần rõ ràng và chỉ rõ tên những dự án, công trình, chủ đầu tư thiếu trách nhiệm; những chính sách hỗ trợ trực tiếp còn vướng mắc để UBND tỉnh biết có hướng giải quyết; đánh giá sâu hơn chính sách bảo tồn di sản văn hóa, dân tộc trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng… Đối với dự thảo Nghị quyết, trong đề án cần làm rõ thực hiện theo nội dung hình thức, đối tượng, các chương trình chưa hoàn thành; việc quy tụ các hộ sống dải rác ở các sườn núi cao cần xây dựng theo chương trình xây dựng NTM; nguồn vốn thực hiện đề án; đề cập thêm trách nhiệm của cơ quan đầu tư đối với những công trình chưa hoàn thành hoặc hoàn thành nhưng bỏ không, hoặc chất lượng công trình không đảm bảo; bỏ chính sách khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc khởi nghiệp bởi có chính sách chung nếu muốn làm cần có đề án cụ thể…
Hoàng Huyền-Lan Phương
(HĐND tỉnh)
Ý kiến bạn đọc