Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
BHG- Sáng 22.3, Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang và Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí Vương Ngọc Hà, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang; Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách - HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Vương Ngọc Hà (người mặc áo xanh đứng giữa) cùng các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị tiếp xúc cử tri. |
Tại hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh trình bày khái quát Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó: Dự thảo Luật có 4 chương, 38 điều. Luật quy định các nội dung, kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... Các cử tri đã thảo luận, có ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật, trong đó tập trung vào các nội dung như: Đối tượng hỗ trợ mặt bằng sản xuất đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các khu vực sản xuất khó khăn; chính sách hỗ trợ về thuế, mức đóng BHXH, BHYT. Chính phủ cần có chỉ đạo các Bộ, ngành T.Ư, địa phương, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong phân loại doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ cần quy định rõ hơn về tiêu chí, chỉ tiêu doanh thu. Tại mục 1, Điều 35 không nên ghi chung chung “Cơ quan tổ chức chủ trì thực hiện các nội dung, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” đề nghị ghi trực tiếp luôn chủ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các nội dung quy định về xử lý vi phạm, quy định tại Điều 37 còn chưa cụ thể, nên có chế tài để xử lý các vi phạm đặc biệt là việc vi phạm 6 điều cấm quy định tại Điều 8. Bên cạnh việc chia tách chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ theo khung doanh thu, lao động, tổng vốn thì nên có mục ưu tiên cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở vùng sâu, xa, biên giới, đối tượng doanh nghiệp là nữ doanh nhân, doanh nghiệp có sử dụng lao động người địa phương, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Việc giám sát các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chỉ rõ tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cụ thể...
Thay mặt Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang và Thường trực HĐND tỉnh, đồng chí Vương Ngọc Hà đã tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, nguyện vọng của cử tri thuộc các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó có ý kiến kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế; đồng thời tham mưu cho chính quyền tỉnh xây dựng thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn được kịp thời, hiệu quả.
HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc