Chuyển biến tích cực trong hợp nhất các chức danh không chuyên trách ở Hoàng Su Phì
BHG- Sau hơn 1 năm thực hiện kế hoạch lồng ghép các chức danh không chuyên trách (KCT) trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua đó góp phần giải quyết bài toán tinh giản bộ máy cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và điều hành của chính quyền địa phương, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, chất lượng, hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ KCT.
Cán bộ KCT Lý Văn Dìn (ngoài cùng bên phải) ngoài hoạt động chuyên môn ở xã, còn tích cực đến các gia đình tuyên truyền phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. |
Nhằm tạo bước chuyển biến trong xây dựng hệ thống chính trị, từ đầu năm 2016, UBND huyện đã ban hành Đề án thí điểm lồng ghép, sắp xếp lại những người hoạt động KCT cấp xã, thôn, tổ dân phố với mục tiêu là từng bước quy hoạch, đào tạo, bố trí sắp xếp đội ngũ KCT đạt các tiêu chuẩn về trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực, kinh nghiệm. Trước mắt, huyện lựa chọn 5 xã, thị trấn (Thông Nguyên, Bản Péo, Bản Luốc, Chiến Phố và thị trấn Vinh Quang) để thực hiện thí điểm với tổng số 78 cán bộ KCT cấp xã; 540 người ở cấp thôn, tổ dân phố. Sau khi tiến hành hợp nhất các chức danh KCT, cấp xã giảm xuống còn 38 cán bộ (giảm 51%); cấp thôn, tổ dân phố giảm còn 315 người (giảm 41,67%).
Việc lồng ghép phải đảm bảo các yêu cầu như: Không ảnh hưởng đến công tác điều hành của xã, thị trấn và thôn, tổ dân phố; không vi phạm chế độ bầu cử của các tổ chức Hội, đoàn thể; cán bộ KCT sau khi kiện toàn phải đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn được đảm nhiệm. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo Phòng Nội vụ hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng Quy chế hoạt động và mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ KCT sau khi sắp xếp, kiện toàn lại...
Đồng chí Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Việc triển khai thực hiện lồng ghép các chức danh KCT cấp xã, thôn bản, tổ dân phố ở Hoàng Su Phì đã có những kết quả đáng khích lệ, được cán bộ, đảng viên và người dân đồng tình ủng hộ. Đặc biệt, sau khi hợp nhất các chức danh KCT, trình độ văn hóa, chuyên môn, chính trị của đội ngũ cán bộ KCT được nâng lên rõ rệt; mức phụ cấp của đội ngũ KCT được nâng lên, góp phần đảm bảo cuộc sống, đáp ứng thời gian làm việc, tăng trách nhiệm và hiệu quả công việc, đáp ứng nhiệm vụ được giao; đồng thời tiết kiệm một nguồn kinh phí không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Nếu triển khai thực hiện ở 25 xã, thị trấn và 199 thôn, bản, tổ dân phố thì số tiền tiết kiệm được trên 4,3 tỷ đồng/năm (trong đó, chi cho cán bộ KCT cấp xã tiết kiệm trên 1,2 tỷ đồng; chi cho cán bộ thôn, tổ dân phố tiết kiệm trên 3,1 tỷ đồng). Bên cạnh đó, còn giúp cấp ủy, chính quyền các cấp thuận lợi trong quản lý công việc, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Là 1 trong 5 địa phương thực hiện thí điểm Đề án, xã Bản Luốc đã chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ. Đảng ủy xã đã triển khai quán triệt nội dung, tinh thần của Đề án; đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng để đội ngũ cán bộ xã, thôn yên tâm công tác. Qua đó, cán bộ, đảng viên và người dân đều đồng tình cao với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là phù hợp với tình hình thực hiện nhiệm vụ hiện nay. Qua thống kê, đội ngũ những người hoạt động KCT cấp xã là 15 người, cấp thôn 16 người. Sau khi sắp xếp lại cấp xã giảm xuống còn 7 người, cấp thôn giảm xuống 7 người đảm nhiệm 7 nhóm chức danh khác nhau. Anh Lý Văn Dìn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, kiêm nhiệm thêm công tác khuyến nông, khuyến lâm, thủy lợi, bảo vệ thực vật, thú ý và kiểm dịch động vật, chia sẻ: Mặc dù công việc thêm nhưng việc kiêm nhiệm không ảnh hưởng đến nhau mà ngược lại còn bổ trợ cho nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao nên anh thấy rất phù hợp. Hơn nữa, khi thực hiện kiêm nhiệm mà mức phụ cấp tăng lên sẽ đảm bảo cho sinh hoạt và có thêm động lực để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bản thân anh vinh dự được lựa chọn kiêm nhiệm thêm chức danh nên ý thức được việc không ngừng học tập, sắp xếp thời gian khoa học để thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, bất cập như: Một số xã, thị trấn còn khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động cho thôi làm nhiệm vụ đối với những người đã tham gia đảm nhiệm các chức danh nhiều năm thuộc diện tuổi cao, sức khỏe yếu, chưa có trình độ chuyên môn hoặc không nhiệt tình trong công tác; vẫn còn lúng túng trong công tác quản lý, điều hành và đánh giá chất lượng cán bộ KCT hoạt động kiêm nhiệm; nguồn nhân lực tại chỗ và trình độ chuyên môn của đội ngũ KCT còn hạn chế nhất định; khó khăn khi bố trí một số chức danh cần bắt buộc về giới tính, độ tuổi, trình độ chuyên môn...
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, huyện Hoàng Su Phì sẽ tiếp tục năng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ KCT; tăng cường quản lý, phân công nhiệm vụ cụ thể và xây dựng Quy chế hoạt động của từng chức danh KCT; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ KCT trên phạm vi toàn huyện... góp phần tạo bước chuyển biến tích cực trong xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh tại địa phương.
TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc