Vững mạnh nơi cực Bắc thiêng liêng
BHG - Nhớ lại câu chuyện phát triển của Hà Giang hôm nay và Hà Giang cách đây tròn 25 năm, bậc lão thành cách mạng, Đại tá Phan Khuyên (TP. Hà Giang) rưng rưng nước mắt: Khi tái lập, Hà Giang là tỉnh khó khăn nhất của cả nước. Thu ngân sách mới đáp ứng 10% chi thường xuyên của tỉnh. Vậy nhưng, Hà Giang hôm nay đã trở thành thành trì vững chắc phía Bắc của Tổ quốc... Tình cảm xúc động lẫn trong niềm tự hào dân tộc của Đại tá Phan Khuyên cũng là tình cảm chung của biết bao thế hệ đồng bào các dân tộc Hà Giang hôm nay.
Chinh phục sự khắc nghiệt của tự nhiên, đồng bào 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn từng bước tạo nên những gam màu sáng cho sự phát triển KT-XH của tỉnh. Trong ảnh: Một xóm của huyện Đồng Văn hôm nay. |
Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII đã quyết định chia tách tỉnh Hà Tuyên thành 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Sau 15 năm (1976-1991) hợp nhất với tỉnh Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên, đến tháng 10.1991, chủ trương này chính thức được thực hiện. Lúc này, đi lên từ điểm xuất phát rất thấp của tỉnh miền núi, biên giới; Hà Giang có tên trong danh sách những tỉnh khó khăn và nghèo nhất so với cả nước. Không những vậy, cuộc sống đồng bào 4 huyện vùng cao núi đá không chỉ khó khăn về điều kiện phát triển KT-XH mà còn phải chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại và phát triển. Nhưng ngay sau tái lập, Đảng bộ, chính quyền tỉnh được thành lập và chính thức đi vào hoạt động (ngày 1.10.1991) để lãnh đạo nhân dân phát triển KT-XH. Việc tái lập tỉnh với quy mô, diện tích, số lượng các huyện, thị phù hợp đã giúp cấp ủy, chính quyền tỉnh có điều kiện tập trung nghiên cứu, điều tra cơ bản, xác định thuận lợi, khó khăn cũng như tiềm năng, thế mạnh từng vùng. Trên cơ sở đó, có chủ trương, giải pháp cụ thể, phù hợp để xây dựng và phát triển mảnh đất địa đầu Tổ quốc mạnh về kinh tế, văn hóa, xã hội đi liền với nâng cao dân trí, tăng cường quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...
Sau 25 năm tái lập tỉnh và tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, được sự quan tâm, giúp đỡ của T.Ư; Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc khắc phục khó khăn, phát huy nội lực để xây dựng và phát triển KT-XH. Điều đó được chứng minh bằng những chính sách đúng đắn, các chương trình phát triển KT-XH phù hợp, hiệu quả. Điển hình như: Chương trình xây dựng Nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ (toàn tỉnh đã có 11/177 xã đạt tiêu chí Nông thôn mới); chương trình giảm nghèo với nhiều cách làm sáng tạo, mô hình hay như: “Mái nhà – bể nước – con bò – phản nằm”, “2 con bò, 600 khóm cỏ”, “Đầu tư tái thu hồi”; “Nhóm sản xuất cùng sở thích” hay “Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo”,... Qua đó, góp phần quan trọng tăng năng suất, hiệu quả lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là đồng bào các dân tộc vùng Cao nguyên đá. Một minh chứng khác chính là nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, thu ngân sách trên địa bàn tăng cao (bình quân giai đoạn 2011 – 2015 đạt 8,8%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 37% (giảm 2,43% so với năm 2010); thương mại, dịch vụ chiếm 36,5%; công nghiệp, xây dựng chiếm 26,5% (tăng 3,66% so với năm 2010). Cùng với đó, tổng sản phẩm bình quân đầu người ước đạt 17,64 triệu đồng (tăng 8,86 triệu đồng so với năm 2010). Đến hết năm 2015, tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 6.500 tỷ đồng (tăng gấp 2 lần so với năm 2010). Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 8.837,3 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 1.440 tỷ đồng (tăng trên 30% so với năm 2010). Đặc biệt, du lịch phát triển có tính đột phá, lượng khách đến địa bàn tăng nhanh. Kinh tế biên mậu bước đầu đạt kết quả tích cực với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu (giai đoạn 2011 – 2015) tăng 1,8 lần so với giai đoạn 2005 – 2010...
Song song cùng kết quả trên, với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, lĩnh vực xây dựng cơ bản đã làm thay đổi diện mạo 195 xã, phường, thị trấn/11 huyện, thành phố. Đến nay, toàn tỉnh đã có 583 km đường Quốc lộ, 264 km Tỉnh lộ, 2.139 km đường huyện và 5.457 km đường xã; 100% xã, phường, thị trấn có đường ô-tô đến trung tâm; đường nhựa nối từ tỉnh lỵ đến các huyện trong tỉnh. Điều đó góp phần tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển KT-XH và đảm bảo QP-AN của tỉnh... Đặc biệt, những thành tựu trên cùng sự năng động, vượt khó đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế về hình ảnh mảnh đất, con người Hà Giang nơi cực Bắc Tổ quốc Việt Nam.Trước thực tế Hà Giang trên đường đổi mới, chị Nguyễn Khánh Xuân (TP. Hà Giang) không giấu được niềm xúc động: Tôi từng đọc cuốn sách “Hà Giang 110 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển (1891-2001)”, “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Giang” và nhiều cuốn sách khác viết về Hà Giang. Thú thực, tôi rất xúc động trên trang sử khi biết, sau tái lập tỉnh, tỉnh ta đi lên từ xuất phát điểm thấp về nền kinh tế với muôn vàn khó khăn, thử thách. Nhưng tôi cũng rất đỗi tự hào vì truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên trung của đồng bào các dân tộc Hà Giang xuyên suốt chiều dài lịch sử. Tinh thần đó đã đưa Hà Giang đến đài vinh quang như ngày hôm nay. Hiểu được những giá trị đó, tuổi trẻ chúng tôi ý thức được trách nhiệm của mình trong lao động, học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng để sống xứng đáng hơn với những thành tựu mà bao thế hệ cha, anh đã vun đắp bằng máu xương để tôn cao khát vọng vươn lên, xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc...
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc