UBND tỉnh cho ý kiến phương án thí điểm thành lập HTX Phát triển lâm nghiệp của huyện Yên Minh
BHG - Ngày 19.8, tại trụ sở UBND tỉnh, huyện Yên Minh đã báo cáo với UBND tỉnh phương án thực hiện thí điểm thành lập HTX Phát triển lâm nghiệp với thành viên nòng cốt là Trung đội dân quân xã theo nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai thông báo kết luận của Bí thư Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT. Các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Khóa XIV tỉnh Hà Giang; Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi họp. Cùng dự còn có đại diện Viện nghiên cứu và phát triển Lâm nghiệp và lãnh đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh.
Toàn cảnh buổi làm việc của UBND tỉnh với huyện Yên Minh về phương án thực hiện thí điểm thành lập HTX Phát triển lâm nghiệp trên địa bàn huyện. |
Tại buổi làm việc, huyện Yên Minh đã thông qua dự thảo Đề án thí điểm thành lập HTX Phát triển lâm nghiệp (thành viên là Trung đội dân quân của xã) với mục tiêu xây dựng thành công mô hình trồng rừng sản xuất có mô hình quản lý mới để khắc phục những tồn tại trước đây, phát huy hiệu quả đầu tư trong trồng rừng. Về việc tổ chức quản lý dự án, huyện Yên Minh giao cho Ban quản lý bảo vệ và phát triển rừng huyện làm chủ đầu tư thực hiện và hoạt động của dự án trên cơ sở nguyên tắc hoạt động hiện nay của Ban quản lý dự án bảo vệ rừng huyện Yên Minh. Trên cơ sở thực tiễn, dự án lựa chọn cây Sa mộc để triển khai với mật độ trồng 2.000 cây/ha do Trung đội dân quân xã Lao Và Chải gồm 22 đồng chí hợp đồng nhận giao khoán thực hiện dự án từ khâu trồng, chăm sóc và bảo vệ. Sau 3 năm thực hiện dự án, về tổng kinh phí đầu tư trên 480 triệu đồng và sau chu kỳ 15 năm (2016 - 2031) tiến hành khai thác trắng, khối lượng gỗ thu dự kiến được 176m3 gỗ/ha sẽ thu được tổng kinh phí trên 7,3 tỷ đồng. Lãi dòng của dự án sau 15 năm được hơn 6,8 tỷ đồng. Ngoài ra, khi triển khai dự án, xác lập được mô hình trồng, quản lý, bảo vệ rừng bền vững theo mô hình tập thể cùng làm, cùng hưởng lợi, nêu cao vai trò, trách nhiệm của đối tượng nhận khoán. Đồng thời khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong quản lý và bảo vệ rừng hiện nay…
Tại buổi làm việc, các đại biểu của các sở, ngành chức năng cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho dự án xây dựng mô hình Trung đội dân quân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng của huyện Yên Minh, như: trong quá trình triển khai, thực hiện dự án bảo vệ và phát triển rừng, điều kiện sinh thái, lập địa của huyện cho thấy khả năng sinh trưởng, phát triển của rừng trồng rất chậm nếu không có sự tác động tích cực bằng sự đầu tư; sự thay đổi bằng một mô hình quản lý, bảo vệ rừng bền vững, thay thế các mô hình hiện nay đang thực hiện. Công tác chăm sóc, bảo vệ sau nghiệm thu còn nhiều hạn chế, dẫn đến mất rừng. Cùng với đó, cũng cần phải chủ động hợp tác với Viện nghiên cứu và phát triển Lâm nghiệp để lựa chọn giống cây trồng phụ hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đều nhận định: xây dựng mô hình Trung đội dân quân phát triển rừng là mô hình tốt và nên nhân rộng thêm tại một số địa phương khu vực phía Tây và các vùng động lực của tỉnh. Việc tổ chức triển khai dự án nên chọn địa điểm tại xã Na Khê vì ngoài việc phủ xanh Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn còn rất thuận lợi để các địa phương khác tham quan, quan sát mô hình để học tập kinh nghiệm. Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy còn nhấn mạnh: với việc triển khai dự án thì đây là một cách tiếp cận rất khác biệt so với trước đây và cần có sự chỉ đạo thay đổi về cơ cấu nội ngành nông nghiệp bởi hiệu quả của ngành chưa cao; công tác quản lý đất đai ở cơ sở còn lỏng lẻo và để làm tốt nghề rừng cần phải có sự rà soát lại tổng thể diện tích đất đã, đang và chưa triển khai trồng rừng; cơ cấu cũng cần phải cụ thể và qua đó cần phải chấn chỉnh lại công tác quản lý. Nghề rừng phải được nhận diện đầy đủ hơn; thay đổi cơ cấu nội ngành nông nghiệp và chấn chỉnh lại công tác quản lý đất. UBND tỉnh phải có sự thống nhất chỉ đạo về địa bàn, lãnh thổ; rà soát lại cơ chế nguồn lực có thể tham gia vào mô hình này; dự án đang làm là phần cụ thể hóa trong đề án đã đang triển khai cần thành lập ban chỉ đạo đề án có sự tham gia của Viện nghiên cứu và phát triển Lâm nghiệp cùng các sở, ngành liên quan…
Tin, ảnh: Phi Anh
Ý kiến bạn đọc