Phát huy vai trò tiên phong đưa Công nghệ thông tin trở thành động lực cho phát triển
BHG- Sở Thông tin và Truyền thông Hà Giang được thành lập năm 2006, là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về: Báo chí; xuất bản; bưu chính và chuyển phát; viễn thông và internet; truyền dẫn phát sóng; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh và truyền hình; cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông; quảng cáo trên báo chí, mạng thông tin máy tính và xuất bản phẩm... Qua 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) của tỉnh đã đạt được những kết quả vượt bậc. Nhân dịp Kỷ niệm Ngày truyền thống ngành TT&TT (28-8) và 10 năm trưởng thành và phát triển Sở TT&TT Hà Giang (2006 2016), phóng viên Báo Hà Giang đã có bài phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Cải cách hành chính của tỉnh. Dưới đây là nội dung bài phỏng vấn:
Phóng viên: Sau 10 năm thành lập, Sở TT&TT tỉnh ta đã đạt được những kết quả ấn tượng, xin đồng chí cho biết những đóng góp của ngành đối với sự nghiệp phát triển KT-XH, AN-QP của tỉnh ta?
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn:
Đây là cơ quan chuyên môn non trẻ, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về: Báo chí; xuất bản; bưu chính; viễn thông; công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh và truyền hình… Trong những ngày đầu thành lập, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Bộ Thông tin và Truyền thông; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh và sự cố gắng, nỗ lực, phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Sở TT&TT liên tục hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo AN-QP của địa phương.
Công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình có nhiều kết quả nổi bật: Sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan báo chí trên địa bàn được duy trì thực hiện có hiệu quả. Hình thức, chất lượng, dung lượng báo chí của tỉnh ngày càng được nâng lên. Nội dung thông tin tuyên truyền đã bám sát định hướng chính trị và thực tiễn đời sống. Truyền hình vệ tinh đã trở thành công cụ phục vụ hiệu quả sự chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, tạo sự đồng thuận xã hội; tạo được hiệu ứng tuyên truyền, quảng bá du lịch, hình ảnh, con người Hà Giang đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông được phát triển mạnh mẽ, tạo bước đột phá: Các hệ thống nền tảng xây dựng Chính quyền điện tử như Hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh; Trang thông tin điện tử thành phần; Văn phòng điện tử; Một cửa điện tử; Hệ thống dịch vụ công trực tuyến; hệ thống giao ban trực tuyến và hệ thống thư điện tử tỉnh Hà Giang được triển khai đồng bộ, thống nhất, có sự liên thông, liên kết, tích hợp dữ liệu, đặc biệt Trung tâm hành chính công của tỉnh đã và đang đi vào hoạt động, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Ngành đã có Nghị quyết chuyên đề số 16 của Đảng bộ tỉnh về CNTT; Nghị quyết của HĐND về chính sách đặc thù chuyên trách CNTT, đây là 2 Nghị quyết quan trọng, đánh dấu nét nổi bật, về quan điểm, định hướng và chính sách cho CNTT tỉnh ta. Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT của tỉnh từ tốp cuối lên vị trí 13/63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc. Mạng lưới bưu chính, viễn thông, hạ tầng kỹ thuật CNTT của tỉnh được hiện đại hóa, với công nghệ kỹ thuật số, cung cấp các dịch vụ viễn thông có chất lượng cao, hiệu quả kinh tế, đáp ứng các mức độ bảo mật an toàn. Dịch vụ bưu chính có 174 điểm phục vụ trong toàn tỉnh. Bán kính phục vụ bình quân trên một điểm phục vụ là: 3,7 km/điểm. Cơ bản các huyện, thành phố, xã phường, thị trấn đã có cáp quang; Số trạm thu phát sóng (BTS) đạt 1.085 trạm (601 trạm 2G, 484 trạm 3G), tăng 166 trạm so với năm 2015; Tỷ lệ xã, phường thị trấn có sóng 3G tại trung tâm đạt trên 85%; Tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98%, riêng khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư đạt 100%. Mạng lưới này được bố trí phù hợp để phát triển kinh tế và đảm bảo độ bảo mật cao, đáp ứng yêu cầu thông tin, đảm bảo diễn tập phòng thủ và quốc phòng-an ninh.
Phóng viên: Với vai trò là Trưởng ban chỉ đạo Cải cách hành chính của tỉnh, trong đó lấy CNTT làm trọng tâm, xin đồng chí cho biết thời gian tới, ngành TT&TT cần chú trọng những nhiệm vụ gì để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh?
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn:
Trong thời gian tới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, ngành cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Tích cực quán triệt, học tập, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh; bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chương trình, kế hoạch công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông, định hướng và kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh để làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về cơ chế chính sách phát triển ngành; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được giao.
Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước đối với các cơ quan báo chí địa phương, định hướng dư luận, tạo sự thống nhất trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phản bác kịp thời những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, tạo bầu không khí chính trị dân chủ để vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH của tỉnh.
Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT nhằm minh bạch hóa hoạt động của cơ quan Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có phẩm chất đạo đức và chuyên nghiệp, có năng lực sáng tạo, yêu nghề, đoàn kết, thống nhất; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong ngành, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển KT-XH, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi ngành thông tin và truyền thông phải có những bước phát triển đột phá, phát huy vai trò tiên phong đưa công nghệ thông tin trở thành động lực cho tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ và nền hành chính của tỉnh. Với sự năng động, sáng tạo và tư duy đổi mới, tin tưởng rằng ngành thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng Hà Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh, phát triển bền vững.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!
VĂN NGHỊ (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc