Những người lính tiên phong trên "mặt trận" mới
BHG - Đất nước độc lập, dẫu vết thương chiến tranh vẫn còn đeo đẳng; nhưng những cựu chiến binh (CCB) khi trở về với đời thường vẫn luôn phát huy truyền thống cách mạng, bản lĩnh, trí tuệ và ý chí kiên cường của anh “Bộ đội Cụ Hồ” khắc phục mọi khó khăn, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; trở thành những người lính tiên phong trên “mặt trận” mới – “mặt trận” phát triển kinh tế, XĐGN.
Chúng tôi đến thăm gia đình CCB Trần Đức Phú, thôn Minh Thành, xã Trung Thành (Vị Xuyên); mặc dù đã bước vào tuổi “thất thập” nhưng ông vẫn rất hoạt bát, nụ cười thường trực trên khuôn mặt rám nắng của người lính năm xưa. Sinh năm 1939 tại Nam Định, năm 1960 ông nhập ngũ tại Sư đoàn 304 đóng quân ở Thanh Hóa. Sau 3 năm phục vụ trong quân ngũ, đến năm 1963, theo chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng, ông xin nghỉ công tác và tình nguyện lên khai hoang, lập nghiệp tại mảnh đất Vị Xuyên. Những khó khăn, thiếu thốn khi bước chân lên vùng đất mới không ngăn nổi ý chí vươn lên làm giàu của người chiến sỹ Sư đoàn 304. Với sự chăm chỉ, chịu khó; ông đã khai hoang mảnh đất hơn 2 ha để trồng cam. Thời điểm những năm 1965 – 1990, cây cam đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình ông. Ông được nhiều người biết đến là tỷ phú cam ở vùng đất Trung Thành. Đến năm 1990, khi cây cam già cỗi, không đem lại năng suất; ông đã quyết định chuyển sang trồng nhãn và các loại cây ăn quả khác. Hiện, vườn cây ăn quả của gia đình ông có diện tích gần 2 ha, với nhiều loại cây ăn quả, trong đó nhiều nhất là nhãn với trên 200 gốc. Mỗi năm, vườn cây ăn quả đem lại cho gia đình ông nguồn thu gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn mở cửa hàng kinh doanh tổng hợp, phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng. Mỗi năm, gia đình ông thu về gần 300 triệu đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp này.
CCB, Trưởng thôn Trịnh Quang Trung giới thiệu về tuyến đường bê – tông nội đồng do bà con trong thôn đóng góp ngày công, vật liệu để xây dựng. |
Rời vườn nhãn sai trĩu quả của CCB Trần Đức Phú, chúng tôi đến thăm gia đình CCB Vũ Thành Long ở tổ 8, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên). Sinh năm 1953 tại tỉnh Ninh Bình; năm 1976, ông nhập ngũ tại Trung đoàn 152, Sư đoàn 313. Sau đó, ông được điều về Trung đoàn 728, tham gia chiến đấu bảo vệ vùng biên giới Vị Xuyên khi cuộc chiến đang vào giai đoạn khốc liệt nhất. May mắn hơn nhiều đồng đội khác khi ông vẫn còn lành lặn trở về, nhưng ký ức về những năm tháng bom đạn ác liệt vẫn hằn in trong tâm trí người lính già. Sau khi xuất ngũ, ông quyết định gắn bó với mảnh đất Vị Xuyên. Với diện tích đất vườn rộng hơn 7.000 m2, ông đã mạnh dạn phát triển kinh tế theo mô hình vườn – ao – chuồng. Hiện, gia đình ông có hơn 200 gốc vải, trồng thêm các loại hoa như: Huệ, cúc,... bán tại vườn cho khách. Mỗi năm thu nhập từ cây ăn quả và trồng hoa cũng đem lại cho gia đình ông trên 100 triệu đồng. Dưới các gốc cây vải, gia đình ông đặt 120 tổ ong mật, mỗi năm thu được hơn 300 lít mật ong. Cùng với đó, gia đình ông còn chăn nuôi lợn nái, mỗi năm xuất bán từ 200 – 250 con lợn giống và có 3.000 m2 diện tích mặt nước, thả các loại cá: Chép, mè, trôi, trắm... Với mô hình vườn – ao – chuồng này, mỗi năm gia đình ông thu về trên 400 triệu đồng; hiện, gia đình ông có một cơ ngơi khang trang; con cái được học hành đến nơi, đến chốn và có công ăn việc làm ổn định.
Theo lời giới thiệu của lãnh đạo xã Đạo Đức (Vị Xuyên), chúng tôi về thôn Độc Lập để tìm gặp CCB, Trưởng thôn Trịnh Quang Trung. Anh Trung được bà con trong thôn quý mến bởi là một Trưởng thôn hết sức trách nhiệm, nhiệt tình với công việc đồng thời là một điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương. Sinh năm 1967 ở Phú Thọ, sau hơn 3 năm phục vụ trong quân ngũ, đóng quân ở Yên Bái, Hà Giang; sau khi xuât ngũ, anh cùng gia đình chuyển về quê vợ ở xã Đạo Đức để sinh sống, lập nghiệp. Vượt qua những khó khăn vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, anh đã mạnh dạn triển kinh tế gia đình theo hướng chăn nuôi tổng hợp. Hiện, gia đình anh có hệ thống chuồng trại quy củ để chăn nuôi lợn, lúc nào trong chuồng cũng có từ 50 – 60 con lợn thịt, mỗi năm xuất bán 3 lứa với mức thu nhập 120 triệu đồng/lứa. Với diện tích mặt hồ rộng gần 7 ha, anh thả các loại cá: Chép, Mè, Trôi, Trắm... và mở dịch vụ câu cá giải trí, đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Tận dụng diện tích hồ rộng, gia đình anh nuôi vịt thịt với quy mô lên đến vài trăm con, trung bình cứ 2,5 tháng là xuất bán một đàn 200 con. Ngoài ra, anh còn trồng hơn 3.000 m2 cỏ để nuôi trâu nhốt, hiện gia đình anh có 6 con trâu, tổng thu nhập mỗi năm của gia đình anh lên đến trên 300 triệu đồng. Không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế, anh Trung còn là một Trưởng thôn trách nhiệm, nhiệt tình. Anh đã tích cực cùng cấp ủy, chính quyền vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công, tiền mặt để xây nhà văn hóa thôn, làm đường bê – tông nông thôn... Vì vậy, thôn Độc Lập luôn đi đầu trong mọi phong trào của địa phương nhờ sự năng động, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc của người CCB, Trưởng thôn gương mẫu.
CCB Trần Đức Phú, Vũ Thành Long, Trịnh Quang Trung chỉ là số ít trong hàng trăm, hàng nghìn những tấm gương đại diện cho phẩm chất, ý chí của người lính Cụ Hồ, vượt lên hoàn cảnh, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển của quê hương. Ở thời chiến hay nơi thao trường khắc nghiệt, họ sẵn sàng đổ mồ hôi và máu để giữ bình yên cho Tổ quốc thân thương. Đến khi trở về với đời thường, họ lại tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hăng say lao động, làm giàu từ chính đôi tay của mình. Họ xứng đáng là những người lính tiên phong trên “mặt trận” mới – “mặt trận” kinh tế, XĐGN.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc