Nói chuyện ASEAN nơi địa đầu Tổ quốc
BHG- Một buổi Tọa đàm, bàn về vấn đề “Hội nhập quốc tế (QT) toàn diện và vai trò của cán bộ nữ địa phương” với thành phần tham gia 100% là đại biểu nữ. Họ đến từ Bộ Ngoại giao, Nhóm Phụ nữ cộng đồng ASEAN, Đại sứ quán 6 nước ASEAN tại Hà Nội cùng 16 cơ quan Ngoại vụ (NV) các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Buổi Tọa đàm đặc biệt ấy vừa diễn ra ngay tại mảnh đất Hà Giang – địa đầu Tổ quốc, mở đầu cho cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa cán bộ nữ lãnh đạo các Sở NV địa phương nhằm trao đổi công tác, chia sẻ kinh nghiệm QT.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Đại sứ quán một số nước tại Hà Nội cùng lãnh đạo tỉnh Hà Giang và các Sở Ngoại vụ địa phương chụp ảnh lưu niệm. |
Hà Giang chú trọng công tác đối ngoại
Không chỉ đánh giá cao sáng kiến tổ chức Tọa đàm của các nữ lãnh đạo NV địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh còn khẳng định: Việc Hà Giang đăng cai tổ chức hoạt động này, trong bối cảnh cuộc hội nhập QT của Việt Nam đang từng bước được triển khai sâu rộng, đặc biệt là chào mừng sự kiện các nước ASEAN chính thức ra nhập Cộng đồng. Đây không chỉ là việc làm cụ thể của Hà Giang trong công tác bình đẳng giới, nâng cao nhận thức của xã hội nói chung về vai trò của phụ nữ trong phát triển KT-XH và hội nhập QT mà còn là hoạt động đối ngoại của tỉnh. Trên cơ sở đó, tăng cường sự giao lưu, gắn kết giữa phụ nữ các địa phương với Bộ Ngoại giao và bạn bè QT, tăng cường sự hiểu biết về ASEAN, về cộng đồng QT. Cũng là dịp để bạn bè QT, bạn bè ASEAN hiểu về mảnh đất, tình người Hà Giang nơi cực Bắc Việt Nam.
Thực tế chứng minh, công tác đối ngoại và hội nhập QT của tỉnh tiếp tục phát triển đúng định hướng, ngày càng được mở rộng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH địa phương. Từ điều kiện thực tiễn của Hà Giang, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra 8 nhiệm vụ, 4 giải pháp thực hiện các khâu đột phá phát triển KT-XH. Phấn đấu đưa Hà Giang ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có trình độ phát triển đạt mặt bằng chung so với các tỉnh miền núi. Trong đó, chú trọng mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, bằng cách phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Thu hút đầu tư phát triển, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ có vai trò tích cực trong công cuộc hội nhập và phát triển của địa phương. Điển hình trong việc: Triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 22 của Bộ chính trị về Hội nhập QT, giai đoạn 2016 – 2020. Xác định được đối tác chiến lược, tiềm năng và lộ trình triển khai thực hiện cũng như nội dung, lĩnh vực mà các tổ chức QT, đại sứ quán, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài ưu tiên hỗ trợ phát triển, gắn với xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Đồng thời, chủ động nắm bắt thời cơ và thách thức khi Việt Nam thực hiện theo lộ trình các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay cam kết khi tham gia Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA)...
Đặc biệt, sự năng động, chú trọng công tác đối ngoại của tỉnh còn được Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí (Bộ Ngoại giao), Trần Thị Bích Vân biểu dương: Hà Giang là tỉnh đầu tiên chủ động có Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN, giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, Hà Giang là đơn vị tích cực tham gia Hội chợ ASEAN, tổ chức tháng 12.2015 tại Hà Nội...
Nhiều giải pháp nâng cao hội nhập quốc tế
Tại buổi Tọa đàm, bài nói chuyện chuyên đề của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga – Chủ tịch danh dự Nhóm Phụ nữ cộng đồng ASEAN tại Hà Nội – Phu nhân Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh về: “Một số vấn đề đặt ra đối với địa phương trong giai đoạn hội nhập QT sâu rộng của nước ta” mang ý nghĩa sâu sắc.
Bài nói chuyện trên không chỉ gợi mở nhiều vấn đề về thời cơ, thách thức của hội nhập, liên kết QT mà Đại sứ còn chia sẻ với đại biểu nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả hội nhập QT như: Địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, người sản xuất cần đề cao tính chủ động trong hội nhập. Tích cực tìm hiểu xu thế, thời cơ, thách thức của hội nhập QT, tiềm năng thị trường, tìm hiểu đối tác mới như: Các nước FTA, G20, Trung Đông, Mỹ La tinh,... Trên cơ sở đó, lựa chọn đối tác phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn để đầu tư chất lượng, quản lý cao. Chú trọng đẩy mạnh xây dựng cơ sở nền tảng cho đầu tư (ví như cầu, đường, điện). Mặt khác, điều chỉnh, hoàn thiện các quy định pháp lý của địa phương phù hợp với cam kết QT, có tính ưu đãi, quan tâm đối tác. Song song với đó, sớm đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, nâng cao dân trí về các tiêu chí, yêu cầu mới của hội nhập kinh tế. Đồng thời, tận dụng các cơ hội quảng bá, liên kết, hợp tác với đối tác khi nước ta đăng cai tổ chức các sự kiện QT lớn, nhất là Năm APEC 2017 và đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Bên cạnh đó, các địa phương chủ động có giải pháp chuyển lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh mới theo cách: Phát huy thế mạnh, lợi thế ngành, vùng miền, địa phương gắn với phát triển bền vững. Trong đó, coi trọng xây dựng thương hiệu; thay thế sản phẩm thông thường bằng sản phẩm cao cấp hơn (quan tâm xây dựng thương hiệu, mẫu mã, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ,...). Đồng thời, liên kết vùng, miền, chuỗi doanh nghiệp hay hợp tác xã. Hướng đến xây dựng du lịch xanh, du lịch lịch sử, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển bền vững bằng kế hoạch ngắn, trung hoặc dài hạn...
Song song với các hoạt động trên, việc tăng cường vai trò, đóng góp của nữ cán bộ NV là yêu cầu tất yếu của hội nhập QT trong giai đoạn mới. Một trong những giải pháp ấy chính là xây dựng hình ảnh, quảng bá địa phương qua phong cách nữ cán bộ NV Việt Nam: Nhân hậu, nhã nhặn, trí tuệ và năng động. Qua đó, tạo thiện cảm trong mắt bạn bè năm châu về đất nước, con người Việt Nam, đúng như lời ngợi khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, già cũng như trẻ ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp, rực rỡ” – Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga chia sẻ.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc