Ngành Công thương góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương
BHG- Những năm qua, cán bộ, công chức, viên chức ngành Công thương Hà Giang đã nỗ lực phấn đấu không ngừng thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển Công thương. Với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh và của Bộ Công thương, sự đoàn kết nhất trí và năng động sáng tạo của cán bộ công chức, viên chức đã giúp cho ngành Công thương Hà Giang có những bước phát triển bền vững. Những thành tựu của ngành được tỉnh, Bộ Công thương đánh giá cao. Qua đó, góp phần tăng thu ngân sách địa phương, thúc đẩy các ngành KT - XH của tỉnh cùng phát triển, với mục tiêu đưa Hà Giang từng bước thoát khỏi tình trạng một tỉnh đặc biệt khó khăn, kém phát triển.
Với nỗ lực của ngành, sự phối hợp của các ngành, các địa phương; giai đoạn từ 2009 – 2015, ngành Công thương đã có bước phát triển khá bền vững. Thời điểm năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) đạt 813,36 tỷ đồng. Trong đó, công nghiệp khai thác mỏ đạt 110,29 tỷ đồng; công nghiệp chế biến đạt 530,89 tỷ đồng; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước ước đạt 172,19 tỷ đồng; Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ đạt 2.035 tỷ đồng; xuất nhập khẩu hàng hoá qua cửa khẩu đạt 184,7 triệu USD.
Đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đã đạt khoảng 3.700 tỷ đồng. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng đạt 969,64 tỷ đồng; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 1.092,56 tỷ đồng; sản xuất và phân phối điện đạt 1.459,08 tỷ đồng; công nghiệp cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải đạt 57,57 tỷ đồng. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ xã hội năm 2015 đạt 6.447 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu đạt khoảng 200 triệu USD.
Một góc Khu Công nghiệp Bình Vàng. |
Kinh tế biên mậu được quan tâm, thúc đẩy, các chợ biên giới, chợ cửa khẩu được quan tâm đầu tư phát triển. Hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân giao lưu, trao đổi và mua bán hàng hoá. Công tác quản lí thị trường được tăng cường. Sở Công thương thường xuyên chỉ đạo lực lượng Quản lí thị trường chủ động, tích cực triển khai các biện pháp, giải pháp, kế hoạch về công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm về chất lượng hàng hoá, gian lận thương mại, kiểm dịch..., góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo hàng hóa có chất lượng, có nguồn gốc, giá cả hợp lý; tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn không có diễn biến phức tạp.
Ngành thường xuyên tổ chức thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến bán hàng, duy trì và giữ vững thị trường nội địa, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng thị trường trong nước. Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Triển khai tổ chức nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi theo chương trình xúc tiến thương mại địa phương và Quốc gia. Các làng nghề, làng nghề truyền thống được tạo điều kiện duy trì, phát triển, được công nhận theo hướng Nhà nước hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của làng nghề và hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ ngành nghề nông thôn xúc tiến và quảng bá các sản phẩm làng nghề.
Nhà máy Thủy điện Sông Chừng, huyện Quang Bình. |
Những năm qua, thực hiện công tác cải cách hành chính, Sở Công thương không ngừng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, triển khai thực hiện hệ thống Văn phòng điện tử I-Office tới các đơn vị trực thuộc, phòng Công thương các huyện và Phòng Kinh tế thành phố. Áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001-2008 vào quản lý; lắp đặt hệ thống internet, mạng LAN phục vụ cho công việc của cán bộ công chức. Niêm yết tại trụ sở công khai hoá, minh bạch hoá các quy định về thủ tục hành chính, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (theo ISO: 9001-2008). Trên cơ sở đó, trách nhiệm của cán bộ, công chức được nâng cao, làm việc một cách khoa học, công khai, minh bạch hoá các quy định, xác lập kỷ cương trong quản lý công tác quản lý Nhà nước, giảm phiền hà, thời gian cho người dân và doanh nghiệp.
Với vai trò của mình, những năm qua, ngành Công thương đã chủ động tham mưu, đề xuất với tỉnh xây dựng và triển khai có hiệu quả nhiều đề án, phương án như: Đề án Đẩy mạnh sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá xuất khẩu giai đoạn 2011-2015; Đề án Phát triển sản xuất công nghiệp có thế mạnh và hiệu quả của tỉnh đến năm 2015; Phương án Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025; Đề án Thu hút đầu tư phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015. Tham mưu xây dựng Kế hoạch tổng thể thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, về lĩnh vực công nghiệp, thương mại
Trong công tác xây dựng Đảng và các tổ chức đoàn thể, nhiều năm qua, Đảng bộ Sở luôn được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Đến nay, Đảng bộ Sở Công thương có 62 đảng viên sinh hoạt tại 5 chi bộ trực thuộc. Công tác quán triệt và triển khai học tập các chủ trương, đường lối chính sách của Đáng, pháp luật của Nhà nước được Đảng bộ chú trọng, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI), thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và mỗi cán bộ, đảng viên. Các tổ chức đoàn thể như: Công đoàn ngành, Đoàn thanh niên; Hội Cựu chiến binh..., hàng năm đều tổ chức, triển khai nhiều phong trào thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đảng ủy và ban lãnh đạo Sở rất quan tâm, chú trọng phối hợp với các tổ chức đoàn thể thực hiện nhiệm vụ phụ trách đỡ đầu xã khó khăn, thường xuyên bám sát tình hình xã phụ trách và tham mưu giúp xã về phát triển KT - XH, xoá đói, giảm nghèo, kêu gọi nhiều nguồn lực hỗ trợ cho địa phương được giao phụ trách cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Quyết tâm thực hiện Nghi quyết Đại hội XVI, về lĩnh vực công nghiệp, thương mại; phấn đấu đến năm 2020, ngành Công thương phát triển theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Nghiên cứu đổi mới mô hình, tổ chức hoạt động của ngành, đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH của địa phương. Tiếp tục phát triển ngành Công nghiệp chế biến theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm cuối cùng có sức cạnh tranh cao. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, khai thác thế mạnh kinh tế biên giới, đẩy mạnh xuất khẩu và giữ vững thị trường truyền thống. Xây dựng và phát triển mạnh thương mại nội địa theo hướng văn minh hiện đại, tập chung chuyển đổi mô hình quản lý chợ với sự tham gia của các thành phần kinh tế, vận hành trong môi trường cạnh tranh có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước.
Trên cơ sở đó, tiếp tục nâng cao vai trò của ngành Công thương trong việc tạo giá trị gia tăng đóng góp vào sự nghiệp phát triển KT - XH trên địa bàn tỉnh; công tác quy hoạch sẽ đi trước một bước, tạo tiền đề để thu hút các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến đầu tư tại tỉnh tạo nhiều việc làm mới; kết nối sản xuất và tiêu dùng, định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh ta trở thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc với cơ cấu kinh tế thương mại dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Qua đó, góp phần quan trọng cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo môi trường sinh thái và giữ vững ổn định xã hội, an ninh - quốc phòng địa phương.
Nguyễn Khắc Quyền (Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương Hà Giang)
Ý kiến bạn đọc