Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống cơ quan công tác dân tộc (3.5.1946 – 2016) và 15 năm thành lập Ban Dân tộc tỉnh (2001 – 2016)
Đồng hành cùng sự phát triển của địa phương và đất nước
BHG- Rất sớm sau khi đất nước dành độc lập, ngày 3.5.1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc Lệnh số 58 thành lập Nha Dân tộc thiểu số (DTTS) với chức năng xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc các DTTS trong nước và thắt chặt tinh thần thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam. Đây được coi là tiền thân của cơ quan làm công tác dân tộc (CTDT). Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định lấy ngày 3.5 hàng năm là Ngày truyền thống của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực CTDT.
Đối với Hà Giang, là địa phương có gần 20 dân tộc anh em chung sống, CTDT có vai trò và đóng góp to lớn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua các thời kỳ lịch sử, CTDT có những tên gọi khác nhau, đã huy động được sức mạnh và nguồn lực to lớn từ khối đại đoàn kết các dân tộc cho công cuộc đấu tranh, phát triển của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.70 năm phát triển ghi nhận vai trò, dấu ấn của CTDT. Năm 1959, Hội đồng Chính phủ thành lập Ủy ban Dân tộc; năm 1979, Ban Bí thư T.Ư ra Quyết định số 38-QĐ/T.W quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức Ban Dân tộc T.Ư và của các tỉnh. Năm 1992, Bộ Chính trị quyết định hợp nhất 2 cơ quan là Ban Dân tộc T.Ư với Văn phòng Miền núi và Dân tộc thành Ủy ban Dân tộc và Miền núi. Trải qua các thời kỳ lịch sử, cơ cấu, chức năng và nhiệm vụ của CTDT ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng của dân tộc.
Ngày 31.8.2001, cơ quan chuyên trách CTDT ở tỉnh ta với tên gọi là Ban Dân tộc định canh định cư được ra đời theo Quyết định số 2668 của UBND tỉnh. Năm 2003, UBND tỉnh ra quyết định tách thành Ban Dân tộc – tôn giáo tỉnh Hà Giang; ngày 5.1.2005, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Ban Dân tộc và Tôn giáo – Định canh định cư tỉnh. Ngày 20.4.2008, UBND tỉnh ra Quyết định số 1120 về đổi tên Ban Dân tộc – Tôn giáo – Định canh định cư thành Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang. Tháng 6.2008, bộ phận tôn giáo của Ban sáp nhập về Sở Nội vụ, bộ phận Định canh định cư sáp nhập về Sở NN&PTNT.
Qua 15 năm thành lập, vượt lên muôn vàn khó khăn của một tỉnh miền núi địa đầu, với vai trò của một cơ quan chuyên trách, CTDT từ cấp tỉnh đến các huyện, thành phố ngày càng được nghiên cứu, xây dựng và phát triển về bộ máy, tổ chức và chức năng hoạt động. Dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, CTDT của tỉnh đã không ngừng phối hợp với các ngành, các cấp trong việc vận động nhân dân phát huy khối đại đoàn kết, vươn lên trong công cuộc XĐGN, nâng cao dân trí. CTDT đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nhằm không ngừng phát huy nội lực của toàn dân, tranh thủ, kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội đầu tư cho sự vươn lên của Hà Giang.
Đoàn đại biểu người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh trong lần về thăm quê Bác Hồ tại Nghệ An. Ảnh: Lê Hải |
Đến nay, hệ thống CTDT trong tỉnh đã được kiện toàn vững chắc. Ở cấp tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh có 20 cán bộ, nhân viên, trong đó có 2 cán bộ có trình độ thạc sỹ; 17 đồng chí có trình độ đại học. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, vượt khó, mỗi cán bộ, công chức Ban Dân tộc tỉnh qua các thời kỳ đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Ở cấp huyện, có 11 phòng Dân tộc được thành lập. Các phòng Dân tộc được bố trí từ 3 – 7 biên chế. Đến nay, trên 90% cán bộ tại các phòng Dân tộc có trình độ đại học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đội ngũ cán bộ làm CTDT trong tỉnh đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến đồng bào các dân tộc; vận động đồng bào tuân thủ pháp luật của Nhà nước, cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng chống phá Nhà nước ta. Một trong những trọng tâm của CTDT là việc vận động đồng bào các dân tộc tăng gia sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để không ngừng thoát khỏi đói, nghèo và vươn lên làm giàu.
15 năm qua, CTDT tỉnh Hà Giang đã vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn; triển khai có hiệu quả các chính sách của Nhà nước hỗ trợ đối với đồng bào các DTTS như: Các dự án sắp xếp, ổn định dân cư cho đồng bào ở những vùng khó khăn; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân nghèo ở vùng khó khăn, vùng DTTS như: Hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt, vốn vay sản xuất; rà soát, bình xét người có uy tín trong cộng đồng DTTS; Đề án phát triển KT – XH vùng dân tộc Cờ Lao. CTDT cũng đã tích cực tham mưu cho tỉnh triển khai có hiệu quả các vấn đề như: Cấp phát một số loại báo, tạp chí không thu tiền cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; tham mưu tổ chức 2 kỳ Đại hội các DTTS toàn tỉnh; hướng dẫn triển khai phân định các xã theo khu vực phát triển để làm cơ sở triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Nhờ có sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc vùng khó khăn; bà con người Mông thôn Đán Dầu, xã Kim Linh, Vị Xuyên đã có nước sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: HUY TOÁN |
Đặc biệt, Chương trình 135 qua các giai đoạn kết hợp với các chương trình, dự án của T.Ư và của tỉnh đã tạo ra sự chuyển biến tích cực cho bộ mặt nông thôn, miền núi của tỉnh ta, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, các thôn bản, xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh đã có đường ô-tô đến trung tâm; 100% số xã có điện lưới Quốc gia; 83,1% số hộ dân trong tỉnh được sử dụng điện; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đạt 71,5%; tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt 100%; hệ thống y tế, trường học được đầu tư rất lớn từ Chương trình 135 đã cơ bản đáp ứng các nhu cầu của nhân dân. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh từ 4 – 5%/năm.
Có thể khẳng định, trải qua 70 năm phát triển, cùng với cả nước, CTDT của Hà Giang đã không ngừng góp phần vào sự phát triển của đời sống xã hội vùng đồng bào DTTS; quyền bình đẳng giữa các dân tộc được thực hiện đầy đủ; khối đoàn kết các dân tộc được phát huy; cơ sở hạ tầng, KT - XH được đầu tư ngày càng mạnh mẽ; văn hóa – xã hội, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát huy; trật tự an toàn xã hội ổn định và giữ vững.
Trong giai đoạn tới, CTDT sẽ chủ động triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, các chương trình của T.Ư, của tỉnh về CTDT; thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn để kịp thời kiến nghị, đề xuất với các cấp ngành sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn; tiếp tục tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt Nghị định 05/2011 của Chính phủ về CTDT, Quyết định 449/QĐ-TTg/2013 về phê duyệt chiến lược CTDT đến năm 2020 và Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động thực hiện chiến lược CTDT đến năm 2020. Đặc biệt là việc tiếp tục rà soát, đánh giá, trình UBND tỉnh để báo cáo với T.Ư phê duyệt kết quả phân định thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã thuộc khu vực I, II, III, giai đoạn 2016 – 2020; tham mưu tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm CTDT.
Hoàng Đức Tiến - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh
Ý kiến bạn đọc