Đổi mới công tác thi đua khen thưởng: Cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
BHG- Với tinh thần “Đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, hiệu quả”; những năm qua, phong trào thi đua và công tác khen thưởng (CTKT) trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều đổi mới, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần vào kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH chung của tỉnh. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng.
Thực hiện các Chỉ thị của Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng (TĐKT), các cấp, các ngành đã chủ động triển khai phong trào thi đua gắn với thực hiện mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ đề ra. Các phong trào thi đua diễn ra sôi nổi, rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực và được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Tiêu biểu như các phong trào: Xây dựng cánh đồng mẫu; Ứng dụng KHKT vào sản xuất; Trồng và phát triển cây vụ Đông; Lao động giỏi, lao động sáng tạo; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Thi đua “Dạy tốt, học tốt”; Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; Sáng mãi phẩm chất bộ đội Cụ Hồ; Vì an ninh Tổ quốc; Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh; Thực hiện 8 lời căn dặn của Bác Hồ với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang; Chung sức xây dựng Nông thôn mới... Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, những cách làm hay và những điển hình tiên tiến cần được tuyên dương và nhân rộng.Nếu phong trào thi đua được xem là giai đoạn “gieo trồng” hạt giống thì công tác khen thưởng lại là thời kỳ “thu quả ngọt’. Cùng với việc đổi mới cách tổ chức các phong trào thi đua cả về nội dung và hình thức, triển khai bài bản, có tiêu chí, nội dung rõ ràng, cụ thể... thì CTKT trong 5 năm qua cũng luôn được tỉnh ta quan tâm, chú trọng và có nhiều đổi mới, hướng mạnh về cơ sở và nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình. Ngoài các hình thức khen thưởng (KT) quy định theo Luật TĐKT, hàng năm, tỉnh ta đã trao giải thưởng cho các huyện, thành phố có thành tích trong phong trào thi đua thường xuyên, trao giải cho thôn, xã đạt chuẩn Nông thôn mới, biểu dương khen ngợi kịp thời những điển hình trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đặc biệt tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết quy định tặng Huy hiệu “Vì sự nghiệp phát triển tỉnh Hà Giang” để ghi nhận quá trình cống hiến của các cá nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Bên cạnh đó, việc KT thành tích đột xuất, khen đối ngoại được quan tâm, tỷ lệ KT đối với người trực tiếp lao động sản xuất, làm công tác chuyên môn dần tăng lên. Công tác biểu dương, KT đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác và kịp thời, chất lượng KT được nâng lên. Việc KT kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần góp phần khuyến khích, động viên, cổ vũ, thúc đẩy phong trào thi đua đạt hiệu quả.Tuy nhiên, trên thực tế, công tác TĐKT ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn nặng tính hình thức, chạy đua thành tích, chưa đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện công tác TĐKT dẫn đến tình trạng sơ sài trong xét KT; một số phong trào thi đua chưa có chiều sâu, mục tiêu thi đua không cụ thể; việc sơ, tổng kết còn mang tính hình thức; các cá nhân được tuyên dương mang tính chất “chia đều”, chưa thực sự công bằng làm giảm tính động viên, giáo dục và tinh thần phấn đấu, nêu gương của cán bộ, đảng viên.Trong bài phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Hà Giang lần thứ V (tháng 9.2015), Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh đã chỉ đạo trong thời gian tới, các cấp, các ngành phải tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác TĐKT; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua yêu nước của đội ngũ cán bộ, đảng viên, CCVC gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Công tác TĐKT phải đảm bảo công khai, công bằng, kịp thời; chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp; việc tôn vinh, KT phải đúng người, đúng thành tích mới có tác dụng nêu gương, giáo dục và có sức lan tỏa trong cộng đồng...”. Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Ban TĐKT (Sở Nội vụ) cho biết: “Việc đổi mới CTKT đang từng bước được triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh và bước đầu đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, để công tác TĐKT đi vào nề nếp, đảm bảo tính công bằng, chính xác, hướng đến cá nhân trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, làm công tác chuyên môn thì cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác TĐKT để xét thưởng đúng, kịp thời, chính xác là vô cùng quan trọng. Trong giai đoạn tiếp theo, Hội đồng TĐKT tỉnh sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra từ cơ sở, kiểm soát và xét duyệt chặn chẽ các sáng kiến... để CTKT thực sự trở thành động lực trong các phong trào thi đua, góp phần vào phát triển KT - XH địa phương.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc