Xứng đáng với niềm tin yêu của cử tri
BHG- Nhiệm kỳ qua, HĐND các cấp tỉnh Hà Giang đã có nhiều đổi mới trong tổ chức và hoạt động góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn theo các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV đã đề ra; chất lượng hoạt động của HĐND và trách nhiệm của người đại biểu xứng đáng với niềm tin yêu của cử tri trong toàn tỉnh.
Theo thống kê, trong nhiệm kỳ 2011 – 2016, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách tăng 8%, số lượng đại biểu tăng 5,8% so với nhiệm kỳ trước; chất lượng đại biểu HĐND các cấp được nâng lên: Đại biểu có trình độ học vấn THPT tăng 12%, đại biểu có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng tăng 23,73%, số đại biểu chưa qua đào tạo giảm 5,55%, tỷ lệ đại biểu nữ tham gia HĐND các cấp tăng 3,77%... Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các cấp đã tổ chức được 2.291 kỳ họp. Trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND đều báo cáo Đảng đoàn để trình cấp ủy cùng cấp xin chủ trương tổ chức các kỳ họp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với MTTQ và UBND cùng cấp để chuẩn bị các nội dung của kỳ họp. Do chủ động chuẩn bị sớm và thực hiện đúng quy trình nên các văn bản trình kỳ họp được chuẩn bị tương đối tốt, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo về mặt thời gian. Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND ngày càng đi vào trọng tâm, có tính phản biện cao, chỉ ra những tồn tại, phân tích nguyên nhân và nêu được những kiến nghị, giải pháp có tính thuyết phục và khả thi, là căn cứ tin cậy để đại biểu HĐND thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Tại các kỳ họp, đại biểu HĐND đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tích cực thảo luận và có chính kiến cụ thể vào nội dung các báo cáo và dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp; thực hiện chất vấn và yêu cầu giải trình các vấn đề mà đại biểu quan tâm; đại biểu HĐND một số xã đã phát huy vai trò đại diện cho cử tri thực hiện giám sát thông qua hoạt động chất vấn tại kỳ họp có chất lượng và hiệu quả cao. Đa số các nội dung chất vấn đều được UBND các cấp, thủ trưởng các ngành chức năng trả lời nghiêm túc bằng văn bản, nhất là các kỳ họp của HĐND tỉnh, những vấn đề chưa rõ đã được các đại biểu “truy vấn” đến cùng, một số nội dung đã chất vấn nhưng chưa được các ngành chức năng thực hiện hoặc thực hiện chậm đã được đại biểu HĐND thực hiện tái chất vấn... Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền trước và sau mỗi kỳ họp được Thường trực HĐND thực hiện tốt thông qua việc tổ chức họp báo nhằm thông báo dự kiến nội dung, chương trình, thời gian, địa điểm tổ chức kỳ họp và kết quả của kỳ họp đến toàn thể cử tri trên địa bàn biết để theo dõi, giám sát. Công tác ban hành Nghị quyết của HĐND các cấp được thực hiện đúng quy trình, thủ tục, thẩm quyền ban hành. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thông qua các kỳ họp, HĐND các cấp đã ban hành 9.530 Nghị quyết, trong đó cấp tỉnh ban hành 214 Nghị quyết, cấp huyện ban hành 739 Nghị quyết, cấp xã ban hành 8.577 Nghị quyết. Ngoài việc quyết định nhiệm vụ phát triển KTXH, QPAN, thu chi ngân sách địa phương hàng năm thì HĐND đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề, quyết định những nội dung quan trọng về chủ trương, biện pháp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển KTXH của địa phương...
Thực hiện chức năng giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND, hoạt động giám sát tại các kỳ họp ngày càng được HĐND các cấp coi trọng; hoạt động giám sát giữa các kỳ họp được quan tâm thực hiện tốt, hoàn thành các cuộc giám sát theo nghị quyết về chương trình giám sát hàng năm. Tính đến nay, HĐND các cấp đã tổ chức được 4.865 cuộc giám sát, khảo sát, trong đó cấp tỉnh 154 cuộc, cấp huyện 881 cuộc và cấp xã là 3.900 cuộc. Thông qua các cuộc giám sát đã có 12.315 kiến nghị đối với các ngành, các cấp và đều được giải quyết với tỷ lệ trung bình đạt 80%. Đặc biệt, lần đầu tiên HĐND các cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, trên cơ sở hướng dẫn của Nghị quyết số 35 của Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh đã triển khai đến HĐND các cấp một cách thận trọng, nghiêm túc theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Công tác chuẩn bị chu đáo đã đảm bảo việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đạt kết quả tốt nhất, không mang tính hình thức, thể hiện sự tín nhiệm của các đại biểu HĐND đối với giữ chức vụ do HĐND bầu đúng thực chất. Hoạt động tiếp xúc cử tri đã được các tổ đại biểu, đại biểu HĐND thực hiện tốt chức năng theo quy định; việc tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân đã được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết kịp thời, có tình, có lý. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đại biểu HĐND các cấp đã thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri được 53.860 lượt và đã có 30.128 ý kiến kiến nghị của cử tri với các cấp, các ngành; tỷ lệ giải quyết dứt điểm các ý kiến kiến nghị đạt xấp xỉ 80%. Cùng với đó, mối quan hệ giữa HĐND với các cơ quan và tổ chức hữu quan ở Trung ương và địa phương được chú trọng. Cụ thể, đối với cấp ủy cùng cấp, HĐND các cấp luôn tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, coi đây là yếu tố quyết định đảm bảo chất lượng và hiệu quả hoạt động của mọi cơ quan dân cử ở địa phương; đối với UBND cùng cấp, HĐND phối hợp chặt chẽ với UBND cùng cấp trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn; đối với UB MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội cùng cấp luôn thực hiện đúng quy chế phối hợp công tác trong tổ chức kỳ họp, hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; đối với Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh liên hệ chặt chẽ, phối hợp tổ chức lấy ý kiến vào các dự án luật, dự thảo Nghị quyết và tổ chức cho ĐBQH tiếp xúc cử tri; thường xuyên giữ mối liên hệ với các cơ quan tư pháp, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố... qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp thời gian qua.
Có thể nói, với vai trò, trọng trách mà nhân dân giao phó, HĐND các cấp tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ qua đã làm tròn trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, phát triển KTXH, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị của địa phương, qua đó phát huy tốt vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
P.V
Ý kiến bạn đọc