Ý kiến đóng góp của Đảng bộ Quân sự tỉnh về công tác quốc phòng, an ninh
BHG - Đảng bộ Quân sự tỉnh Hà Giang nhất trí cao với Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương đã được Tiểu ban văn kiện xây dựng một cách khoa học, toàn diện, phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN. Tuy nhiên, theo Đảng bộ Quân sự tỉnh Hà Giang, Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương cần phải bổ sung, chỉnh sửa thêm một số câu từ cho phù hợp thực tiễn đó là:
Một là, tại Mục X “Tăng cường quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới”.
Vấn đề thứ nhất: Tại trang 54, từ dòng 13 đến 14 (tính từ trên xuống), Điểm: 2- Phương hướng, nhiệm vụ, trong dự thảo viết “Củng cố quốc phòng giữ vững an ninh Quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân; trong đó, Quân đội nhân dân (QĐND) và Công an nhân dân (CAND) là nòng cốt”. Tôi đề nghị thay cụm từ “QĐND và CAND” bằng cụm từ “Lực lượng vũ trang”, đoạn này đề nghị viết thành “Củng cố quốc phòng giữ vững an ninh Quốc gia, ổn định chính trị, TTATXH là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Lực lượng vũ trang là nòng cốt”. Viết như vậy sẽ đầy đủ hơn.
Vì củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh Quốc gia, ổn định chính trị, TTATXH là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là QĐND và CAND là chưa đầy đủ mà hiện nay ở các cơ sở xã, phường còn có lực lượng dân quân tự vệ là rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ QP-AN, chính trị, TTATXH ở địa phương. Nên thay cụm từ “QĐND và CAND” bằng cụm từ “Lực lượng vũ trang” sẽ đầy đủ hơn, phù hợp với tình hình hiện nay
Vấn đề thứ hai: Cũng tại trang 54, từ dòng 16 đến 17 (tính từ trên xuống), Điểm: 2- Phương hướng, nhiệm vụ, trong dự thảo viết: “Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”. Đề nghị bổ sung cụm từ “Kiên trì” sau cụm từ “Chủ động” và viết lại là: “Chủ động, kiên trì đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”.
Lý do: Nếu ta chỉ chủ động đấu tranh thì chưa chắc đã giành được thắng lợi mà ta cần kết hợp cả chủ động, kiên trì trong đấu tranh mới giành thắng lợi. Trong lịch sử 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thực tế chứng minh nếu ta không chủ động và kiên trì đấu tranh thì không làm thất bại được âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Vấn đề thứ ba: Khổ cuối trang 54, dòng 4 và 5 (tính từ dưới lên) có ghi “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược”. Đề nghị bổ sung thêm cụm từ “giữa phát triển” vào sau từ “Kết hợp chặt chẽ” và trước từ “kinh tế”. Thay cụm từ “…trong từng chiến lược” bằng cụm từ “ở từng địa phương và cả nước”. Như vậy viết lại là “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với QP-AN và QP-AN với kinh tế, văn hóa, xã hội ở từng địa phương và cả nước”. Viết như vậy sẽ đầy đủ và dễ hiểu hơn.
Vấn đề thứ tư: Tại trang 55, từ dòng 21 đến 23 (tính từ trên xuống), Điểm: 2- Phương hướng, nhiệm vụ, trong dự thảo viết “Xây dựng, củng cố đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, biển, đảo”. Ở đoạn này tôi đề nghị bổ sung thêm từ “phát triển” sau từ “hữu nghị”, như vậy ở đoạn này sẽ viết thành “Xây dựng, củng cố đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, phát triển; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, biển, đảo”. Viết như vậy sẽ đầy đủ hơn và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Hai là, tại trang 154, dòng thứ 9 (tính từ trên xuống), thuộc điểm 9- Tăng cường QP-AN, giữ vững chủ quyền Quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm ANCT, TTATXH. Trong dự thảo viết “Đẩy mạnh phòng, chống, phấn đấu hạn chế tội phạm và tệ nạn xã hội”, tôi đề nghị bỏ từ “phấn đấu” và thêm từ cụm từ “đến mức thấp nhất” trước từ “tội phạm…”, đoạn này viết lại thành “Đẩy mạnh phòng, chống, hạn chế đến mức thấp nhất tội phạm và tệ nạn xã hội”. Vì, nếu chỉ phấn đấu hạn chế tội phạm và tệ nạn xã hội thì vẫn mang tính chung chung, do đó phải “hạn chế đến mức thấp nhất tội phạm và tệ nạn xã hội” sẽ có mục tiêu cụ thể để đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ANCT, TTATXH, xây dựng xã hội văn minh; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp các ngành trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội sẽ được thực hiện một cách chủ động, quyết liệt, hiệu quả.
Phan Hùng (lược ghi)
Ý kiến bạn đọc